Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012

Biển Đông sẽ là 'con voi' ở Đối thoại Shangri-la

Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á lần thứ 11 tại Singapore diễn ra từ 1-3/6 trong bối cảnh Mỹ hứa sẽ bảo vệ các đồng minh trước các tuyên bố bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc.



 Chuyến thăm Singapore lần này là một phần trong chuyến công du kéo dài một tuần của Bộ trưởng Panetta đến Sở chỉ huy hạm đội Thái Bình Dương, Hawaii, Việt Nam và cuối cùng là Ấn Độ (*).

Theo ông Bonnie Glaser, chuyên gia về Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, “Trung Quốc cho rằng chuyến thăm tới Ấn Độ và Việt Nam này là nhằm thắt chặt mối quan hệ của Mỹ với các đối tác trong khu vực, những nước đang có mối lo chung về Trung Quốc. Mỹ có những lợi ích cụ thể trong việc củng cố thêm mối quan hệ với những nước này, vì thế tôi cho rằng chuyến thăm này chủ yếu vì vấn đề có liên quan đến Trung Quốc”.

“Vấn đề tranh chấp chủ quyền tại vùng biển Đông chắc chắn sẽ tiếp tục là chủ đề nóng tại cuộc đối thoại lần này”- Tim Huxley, giám đốc điều hành của IISS tại khu vực châu Á nói.

Có một vài người lo ngại rằng đoàn đại biểu của một số nước Đông Nam Á có thể “gây gổ” với các quan chức quân sự Trung Quốc trong Hội nghị, tuy nhiên theo Huxley, những vấn đề nhaỵ cảm đó khó có khả năng xảy ra.

Việc Trung Quốc đang tỏ ra hung hãn hơn tại những vùng biển tranh chấp thuộc khu vực biển Đông chắc chắn sẽ được đề cập đến, và khiến nhiều người quan ngại liệu Trung Quốc sẽ còn đẩy căng thẳng đi xa đến đâu để bảo vệ những vùng biển tranh chấp.

Dean Cheng, chuyên gia Trung Quốc thuộc Tổ chức Heritage nói: “Vấn đề về biển Đông sẽ là “con voi trên bàn hội nghị”. Mỹ sẽ theo dõi các thành viên thuộc đoàn Trung Quốc tham dự hội nghị. Họ là chiếc chìa khoá và kim chỉ nam cho chính sách quân sự của Bắc Kinh”.

Quân uỷ Trung ương Trung Quốc sẽ tiến hành “thay máu” vào mùa thu này khi những quan chức hiện thời đã đến tuổi nghỉ hưu. (>> xem thêm)

Khó có thể nói gì tại hội nghị Shangri-la, tuy nhiên sẽ rất thú vị khi so sánh danh sách những quan chức tham dự hội nghị lần này với những người sẽ nắm quyền lãnh đạo trong Quân uỷ vào mùa thu năm nay, ông Cheng nói

Mối liên hệ giữa trục châu Á và Tiền

Trục Mỹ - châu Á có thể khiến cho món nợ 15,7 tỉ USD của Mỹ thêm trầm trọng khi nước này đang gồng mình lên để vừa đảm bảo cho một nền quốc phòng mạnh, vừa đảm bảo cho các chương trình xã hội, trả lãi, và vận hành đất nước một cách bình thường. Nhiều người cho rằng Mỹ không đủ khả năng để có thể thực hiện được lời hứa của mình với khu vực này.

“Một chiến lược mà không có nguồn lực thì chỉ là ảo tưởng”- Paul Giarra, giám đốc chương trình Chiến lược và chuyển giao toàn cầu nói. Ông cũng cảnh báo rằng liên minh trong khu vực đang ngày càng suy yếu và hầu như không còn có sự liên hệ lẫn nhau.

Không một đối tác nào của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương có cùng một mối nguy và một triển vọng.

Nhật Bản thì quá chú trọng đến việc bảo vệ an ninh quốc gia và phụ thuộc rất nhiều vào Mỹ. Hàn Quốc chỉ quan tâm đến mối hoạ Triều Tiên. Ấn Độ tập trung vào các vấn đề biên giới với Trung Quốc và Pakistan. Philippines thì dựa dẫm quá nhiều về kinh tế vào Mỹ.

“Chúng ta làm sao có thể có được một sách lược chung khi mà chúng ta chưa hiểu rõ đối thủ (Trung Quốc), và vì thế, chúng ta hi vọng sẽ đạt được gì?”- Giarra nói.

Về Philippines

Khoảng cách lực lượng giữa Trung Quốc và Philippines ngày càng thể hiện rõ khi Trung Quốc ngày càng điều thêm nhiều tàu đến khu vực tranh chấp.




Điều đó cho thấy việc Philippines bị bất lực trong việc bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của mình và lý giải vì sao Philippines lại ngày càng tỏ ra dựa dẫm vào sự hỗ trợ quân sự của Mỹ.

Điều này đã làm dấy lên khả năng lực lượng quân sự Mỹ có thể sẽ quay trở lại Philippines.

Mỹ đã đóng cửa 2 căn cứ quân sự Không quân và Hải quân của mình tại đây từ hồi đầu những năm 1990.

“Việc Mỹ quay trở lại Philippines sẽ khiến cả 2 bên đều có lợi. Philippines không thể bảo vệ chủ quyền của mình tại biển Đông và buộc phải cần đến sự hỗ trợ của Mỹ”- Huxley nhận định.

Tình trạng tham nhũng đang diễn ra tràn lan trong chính phủ “dân chủ” của Philippines là một trở ngại lớn. Đó là sự dân chủ “trên bề mặt”- Huxley nói. “Thực chất đây là một quốc gia phong kiến, được dẫn dắt bởi một gia đình quyền quý”.
(*) Đây là một cuộc gặp thượng đỉnh thường niên của các quan chức quân sự hàng đầu trong khu vực, được tổ chức bởi Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), gọi tắt là Đối thoại Shangri-la.

Năm nay có 28 quốc gia trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương tham gia cuộc họp thượng đỉnh này, trong đó có Anh, Pháp, Nga và Mỹ.

Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta và đô đốc Samuel Locklear trên cương vị Chỉ huy trưởng hạm đội Thái Bình Dương.

Ngoài ra, chuyến thăm này còn có sự tham dự của tướng Martin Dempsey, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Mỹ, các thượng nghị sĩ Mỹ như John McCain, R-Ariz., and Joe Lieberman, I-Conn.
(ĐVO)

Các bài liên quan




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét