Nga và NATO đã thảo luận về tốc độ của tên lửa đánh chặn và việc phát triển tên lửa tại hội nghị cấp cao ở Moscow.
Hơn 50 quốc gia và tổ chức quốc tế đã cử phái viên tới hội thảo về phòng vệ tên lửa do Bộ Quốc phòng Nga tổ chức, với mục đích nhắc lại sự lo lắng của Nga về kế hoạch lá chắn tên lửa của Mỹ tại châu Âu nhằm vào các lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga.
Tại đây, Nga đưa ra mô hình cho thấy, lá chắn tên lửa Mỹ triển khai ở châu Âu có thể chặn đứng các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của Moscow.
“Mục tiêu của hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ không nhằm vào đâu khác ngoài Nga”, Nikolai Patrushev, người đứng đầu Hội đồng An ninh Nga nói.
Hiện NATO không nhượng bộ Nga về vấn đề phòng thủ tên lửa cho đến khi Mỹ tổ chức bầu cử Tổng thống vào tháng 11/2012, tuy nhiên, về lâu dài có thể hy vọng một bản thỏa hiệp.

Theo ông Nikolai Makarov, Tam mưu trưởng Quân đội Nga, cần một sự đảm bảo về mặt luật pháp rằng lá chắn tên lửa đó sẽ không gây tổn hại đến sự cân bằng hạt nhân chiến lược mà nước này có với Mỹ, đồng thời, bảo vệ quyền được đáp trả nếu các mối lo ngại của nước này không được giải quyết.
Nga cũng không bác bỏ việc sẽ tổ chức các cuộc tấn công chống lại các phần của tên lửa phòng vệ ở Ba Lan, Romania và bắn hạ vệ tinh Mỹ được sử dụng như một phần của lá chắn.
Chỉ chặn những tên lửa thô sơ?
Các đại diện của NATO bác bỏ luận điệu trên và đề nghị Nga hợp tác trong lĩnh vực này, chủ yếu thông qua các dữ liệu về công nghệ tên lửa và các mối đe dọa toàn cầu trong những nghiên cứu quân sự và các trung tâm phân tích chung.
Alexander Vershbow, Phó Tổng thư ký liên minh, cho biết: “Tên lửa phòng vệ của NATO chỉ có khả năng chặn đứng một lượng nhỏ tên lửa đạn đạo đơn giản mà thôi”.
Theo Madelyn Creedon, Trợ lý các vấn đề chiến lược toàn cầu thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, mô hình của Nga cũng có chỗ sơ hở bởi nó ấn định rằng lá chắn tên lửa Mỹ có thể phóng ngay lập tức. Trên thực tế, vẫn có khoảng thời gian trì hoãn trước khi lá chắn tên lửa được khởi động. Khoảng thời gian này đủ để tên lửa Nga “đổ bộ” tới Seattle hay Washington.
Trong khi đó, mối đe dọa toàn cầu ngày càng gia tăng bởi có hơn 30 quốc gia trên khắp thế giới, gồm Iran và Triều Tiên, đều thực hiện những chương trình tên lửa đạn đạo của riêng mình.
"Thế giới đang lê từng bước khó nhọc, sự phát triển tên lửa phòng thủ lại chậm hơn là các công nghệ tấn công, điều này có nghĩa là những mối đe dọa tiềm tàng cần phải được dự đoán trước”, Rudiger Wolf, Bộ Quốc phòng Đức, nhận định.
Thông điệp cho Chicago
Phần lớn các đề nghị được đưa ra tại Moscow đều là sự lặp lại các vấn đề mà Nga và NATO đã thảo luận nhiều năm nay.
Lá chắn tên lửa ở châu Âu đã đi vào hoạt động từ năm 2001 và với trạng thái hiện tại, sẽ tiếp tục bổ sung theo bốn giai đoạn, bắt đầu từ năm 2011 với việc triển khai tàu tuần dương Aegis tại Địa Trung Hải và hệ thống đánh chặn tên lửa tầm ngắn ở châu Âu, thời gian hoạt động của hệ thống này có thể đạt tới năm 2020.
Giới phân tích nhận định, Hội thảo tại Moscow là thông điệp gửi tới Hội nghị thượng đỉnh của NATO tại Chicago ngày 20/5 tới, khi nhóm đồng minh đang lên kế hoạch công bố khả năng của tên lửa đánh chặn tại châu Âu.
NATO sẽ không “động đậy” trong những tháng tiếp theo. “Khả năng đạt được thỏa hiệp của phương Tây là có hạn bởi chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ. Bất kỳ hạn chế nào về vấn đề phòng vệ tên lửa sẽ là một vấn đề lớn đối với Quốc hội”, ông Oznobishchev, Viện nghiên cứu chiến lược, cho biết.
Tuy nhiên, theo Pavel Zolotaryov, một nhà nghiên cứu Mỹ và Canada, nếu ông Obama tiếp tục đắc cử, có khả năng các quốc gia sẽ bắt đầu hợp tác về vấn đề phòng thủ tên lửa một cách nghiêm túc, đặc biệt là việc phát triển các trung tâm chung.
“Công nghệ tên lửa đang được phổ biến khắp thế giới. Cần có biện pháp đối với những vụ phóng tên lửa trong tương lai”, Zolotaryov nhận định.
http://quocphong.baodatviet.vn/dv/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét