Thứ Tư, 16 tháng 5, 2012

'Đọ' giàn khoan Việt - Trung

Thời gian gần đây, thông tin về các giàn khoan khổng lồ trong khu vực liên tiếp được dư luận chú ý.

Dưới đây là một số hình ảnh về hai giàn khoan dầu khí được cho là hiện đại nhất, một của Việt Nam và một của Trung Quốc:



Theo Petro Times, từ cuối tháng 3/2012, Công ty cổ phần Chế tạo giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard) đã chính thức bàn giao cho Liên doanh dầu khí Việt - Nga (Vietsovpetro) giàn khoan tự nâng hiện đại mang tên Tam Đảo 03.

Giàn tự nâng có khối lượng chế tạo cơ khí chính xác lớn, đòi hỏi trình độ kỹ thuật và công nghệ cao với khối lượng thi công khoảng 9.685 tấn kết cấu, 950 tấn đường ống công nghệ, 1.748 tấn thiết bị bao gồm các hạng mục như điện, điện tự động, kiến trúc nội thất.




Giàn tự nâng có trọng lượng gần 12.000 tấn với chiều cao chân giàn là 145m, Giàn khoan có thể hoạt động ở các khu vực nước sâu đến 90m cùng hệ thống khoan có thể khoan sâu đến 6.100m dưới đáy biển. Giàn được trang bị sân đáp cho trực thăng và có thể chống chịu gió bão mạnh cấp 12.



Giàn Tam Đảo 03 có thể tự nâng phần thân giàn lên độ cao nhất định. Trong ảnh, Tam Đảo 03 trong một cuộc thử nghiệm nâng độ cao cao nhất.



Có thể nói, việc Việt Nam chế tạo thành công giàn khoan tự nâng là bước đột phá lớn trong lĩnh vực dầu khí. Bởi đây là công nghệ phức tạp, tiêu chuẩn cực kỳ khắt khe, không nhiều nước trên thế giới có thể thực hiện được. Hiện nay, chỉ khoảng 2 quốc gia có thể thiết kế cơ sở và 10 quốc gia có thể thiết kế chi tiết, thi công.

Tam Đảo 03 đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam (VR) và Cơ quan đăng kiểm Hàng hải Mỹ (ABS) cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế. Chất lượng giàn khoan được đánh giá là đạt tiêu chuẩn quốc tế và tương đương giàn khoan do các nước Mỹ, Singapore, Hàn Quốc chế tạo.



Theo Báo Đại Đoàn Kết, tháng 5/2012, truyền thông khu vực chú ý tới thông tin Tập đoàn dầu khí Trung Quốc (CNOOC) triển khai giàn khoan khổng lồ CNOOC 981 ở giếng dầu Lệ Lan 6-1-1, cách Hong Kong 318 km về phía Đông Nam.



Giàn khoan bán ngầm thế hệ thứ 6 CNOOC 981 có chiều dài 114m, rộng 90m, cao 137,8m, nặng khoảng 31.000 tấn (gần gấp 3 lần giàn Tam Đảo 03). Giàn khoan có thể hoạt động ngoài khơi ở độ sâu tối đa 3.000m và khoan ở độ sâu 12.000m.



CNOOC 981 được thiết kế để họat động ở vùng nước sâu nên nó không thiết kế với phần chân đứng.

Thay vào đó, 4 chân đứng đỡ thân giàn đặt trên các phao nổi. Câu hỏi đặt ra là liệu nó có khả năng chống chọi với những cơn bão khủng khiếp thường xuyên xuất hiện trên biển Đông không?



CNOOC 981 là bước đi đầy tham vọng của Trung Quốc khai thác dầu khí vùng biển sâu. Cách thiết kế của CNOOC 981 thể hiện phần nào tham vọng đó, với kiểu phao nổi nó có thể di chuyển dễ dàng tới mọi nơi trên vùng biển.

Hiện nay, tuy Trung Quốc triển khai CNOOC 981 ở vùng thuộc đặc quyền kinh tế biển nước này nhưng lại có thời hạn chỉ trong 56 ngày. Vấn đề, sau 56 ngày 981 sẽ được đưa đi đâu?

Theo một số chuyên gia quốc tế, CNOOC 981 sẽ được đưa tới khu vực đang tranh chấp với Philippines và cũng là nơi "thuộc đường lưỡi bò" hết sức phi lý mà Trung Quốc tự vẽ ra.

Nhiều chuyên gia nhận định, việc triển khai CNOOC 981 là một nước đi hiểm của Trung Quốc trong tranh chấp tại Biển Đông. Vì khi CNOOC 981 di chuyển, chắc chắn "khối tài sản" trị giá gần 1 tỷ USD được hộ tống bởi nhiều tàu (có thể có cả tàu chiến) và máy bay.

Như vậy, việc đưa giàn khoan tới vùng biển nhạy cảm sẽ là cái cớ "hợp lý" để Trung Quốc tăng cường sự hiện diện quân sự tại nơi đó. Một bước đi nhằm thực hiện tham vọng hợp thức hóa cái gọi là "đường lưỡi bò".

(ĐVO)

Các bài liên quan




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét