Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

Trường Sa Ký Sự - Kỳ 4


Phó Nhòm Bolsa
Chuẩn đô đốc Phạm Ngọc Chấn, Chủ nhiệm chính trị Quân chủng Hải quân từng khẳng định:“Quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa từ xưa đến nay và mãi mãi về sau là một phần máu thịt, là lãnh thổ thiêng liêng của dân tộc Việt Nam…”, lời tuyên bố để khẳng định về chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam trên trường quốc tế. Lời tuyên bố này cũng là một sự vinh danh thiên chức cuả người lính biển đảo Trường Sa, những người con ưu tú đang ngày đêm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc mà chúng tôi đoàn nhà báo quận Cam, California rất hân hạnh có mặt trong đoàn công tác số 6 với hơn 220 người trên tàu HQ571 cuả Hải Quân Nhân Dân Việt Nam. Cuôc hải trình cuả chuyến đi lịch sử kéo dài 9 ngày từ 18/4/2012 đến 26/4/2012 trải qua 8 đảo, 6 cuộc cầu siêu và truy điệu, 2 buổi văn nghệ hoành tráng quy mô và những buổi sinh hoạt tập thể trên boong tàu cũng như trên hải đảo và nhà giàn.


KBCHN đã có một bài viết mở đầu và 3 bài phóng sự về Trường Sa Ký Sự nhưng vẫn chưa đủ những tường trình cho chuyến đi lịch sử có một không hai này. Việt Weekly, Phố Bolsa TV, KBCHN không dám khoác lên người chiếc áo đại diện báo chí quận Cam nói riêng hoặc Hoa Kỳ nói chung. Nhưng chúng tôi hãnh diện được có mặt trong đoàn để đưa lại những bài viết, hình ảnh và thước phim sự thật cuả sự thật. Vì nhờ có chuyến đi này chúng tôi và nhiều người trong nước lẫn nước ngoài mới biết và tin rằng Trường Sa chưa mất và Trường Sa vẫn mãi mãi muôn đời là cuả ta. Kính mời độc giả cuả KBCHN, Việt Weekly và Phố Bolsa TV tiếp tục theo dõi sự kiện Trường Sa qua những bước chân chuyên chở hình ảnh, phim ảnh và ký sự Trường Sa.

Điểm cần ghi nhận tại các đảo như Song Tử Tây, Nam Yết và các đảo sau này nơi nào đoàn công tác số 6 (tên đặt cho các chuyến hải trình Trường Sa cuả chính phủ trong năm) cũng được dân chúng và quân đội tiếp đón rất cảm động. QĐHQND và QĐKQND cũng như đồng bào xếp hàng tiếp đón đoàn rất chân tình. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Phạm Dũng và Hải quân Đại tá Đỗ Minh Thái cũng như phái đoàn cũng đã rất thân mật và bình dân niềm nở bắt tay từng người lính, người dân. Thăm hỏi thân mật và chân tình chia sẻ những khó khăn cũng như ghi nhận những đề nghị nâng cao đời sống quân dân trên đảo.

7 giờ tối ngày 21/4/2012 tàu dời đảo Song Tử Tây trực chỉ đảo Nam Yết. Tất cả mọi người ngủ vùi vào giấc ngủ sau 2 ngày hoạt động liên tục và mệt mỏi tại Song Tử Tây, nhưng thuỷ thủ đoàn và các anh em hoả thực thì không được phép. Tàu HQ571 vẫn hùng dũng mở to những cặp mắt thuỷ thủ để tiến về Nam Yết bằng những khả năng chuyên môn, lão luyện dưới sự điều hành cuả thuyền trưởng đầy kinh nghiệm HQ Thiếu tá Nguyễn Văn Sửu; người đã quen thuộc với các hải trình Trường Sa từ năm 1997. Anh đã quen với thời tiết bình thường cũng như bất thường, những cơn thuỷ triều lên và xuống tại những bến đáp và những chuyến hải hành dày dạn sóng gió Trường Sa.

5 giờ sáng ngày 22/4/2012 tiếng loa phóng thanh báo hiệu đánh thức đoàn tàu: "Toàn tàu chú ý, chú ý toàn tàu..." để mọi người thức dậy chuẩn bị đón chào một ngày mới. Nửa giờ làm công tác vệ sinh buổi sáng và điểm tâm. Mất gần 2 giờ để di chuyển mọi người từ HQ571 xuống ca-nô (khoảng 20 - 25 người một chuyến) vào đảo Nam Yết. Công tác tại Nam Yết khá ngắn ngủi nhưng lại quá nhiều sinh hoạt. Công tác đầu tiên là thắp hương và tụng niệm cho 6 ngôi mộ cuả những người quá vãng trong thời gian phục vụ trên đảo (5 chiến sĩ Hải Quân và một không rõ. Có lẽ là công nhân xây cất.) Trong lúc đoàn di chuyển, Phó Nhòm Bolsa được nghe qua quý vị linh mục và ma-sơ trong đoàn Công Giáo cho biết một công nhân làm việc tại Song Tử Tây bị tử vong ngày 21/4/2012 vì tai nạn. Một chuút ngậm ngùi và thương cảm số phận bất hạnh cuả những người đang góp bàn tay xây dựng hải đảo trù phú và phát triển tương lai. Đảo Song Tử Tây đang xây thêm 20 căn hộ và nhà vãng lai cho khách đến thăm ở lại qua đêm (ý định tổ chức du lịch?)

Những người lính hải quân tại Nam Yết từ trần còn quá trẻ, người trẻ nhất sinh năm 1992, 1991 và 1990. Lý do chết vì bệnh không phải chiến đấu. Nhưng không rõ nguyên nhân hoặc không muốn nói rõ nguyên nhân? Buồn khổ vì cô đơn hay bệnh tật? Sức khỏe lẽ dĩ nhiên phải tốt mới được ra đảo phục vụ. Nhưng có lẽ không ai có nhiều thì giờ để tìm hiểu. Mọi người vội vã trở ra tham dự lễ trồng cây "bồ đề" và vào hội trường sinh hoạt.

Bên trong hội trường sĩ quan Hải quân chỉ huy kiêm Chủ tịch Uỷ Ban Nhân Dân Xã Nam Yết thuyết trình về tiến bộ và công tác cũng như thành quả thu hoạch. Bên ngoài hội trường, tại cột mốc chủ quyền Nam Yết đoàn văn công Quân Khu 7 cùng các chiến sĩ hải quân và không quân cũng như đồng bào và công nhân trên đảo sinh hoạt văn nghệ. Sau phần thuyết trình tình cờ Phó Nhòm Bolsa KBCHN là phóng viên duy nhất được thu hình buổi thăm hỏi cuả Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn với HQ Thiếu Tá Tham Mưu Trưởng đảo Nam Yết và nửa giờ đàm đạo cuả quý vị cầm đầu đoàn công tác số 6 tại nhà thuỷ tạ cạnh bộ chỉ huy.

Sau đó nhị vị thứ trưởng và HQ Đại tá Vũ Minh Thái dự lễ trồng 2 cây bồ đề cuối cùng trên đường trở lại tàu HQ571. Một cây cuả Bộ Nội Vụ và một cuả Bộ Ngoại Giao trao tặng chuà Nam Yết. 10 giờ sáng 21/4/2012 trong những bồi hồi và cảm động đoàn lại xuống ca-nô trở về tàu HQ-571 chuẩn bị qua đảo Sinh Tồn Đông. Quyến luyến và bịn rịn chia tay, toán quân nhân xếp hàng đưa tiễn, đồng bào đứng ngay cầu tầu vẫy tay vẫy tay chào nhau. Có người lau nước mắt, có người la lớn "Việt Nam muôn năm," "Hải quân nhân dân muôn năm." Nhưng đời sống tại Nam Yết vẫn hưá hẹn nhiều nhộn nhịp vì những công trình xây cất và kiến thiết đang được xây dựng và phát triển. Những toà nhà 2 tầng rộng lớn kiểu khu vực hành chính đang được xây cất. Tiếng người thợ hồ vừa trét xi-măng vừa ca bài vọng cổ, bên cạnh người đồng nghiệp hoà nhịp tân cổ giao duyên nghe cũng vui tai. Tương lai vững chắc cuả đảo chứng tỏ quyết tâm cuả chính phủ về chủ quyền hải đảo. Không ai dại dột xây dựng để đem dâng cho ngoại bang, có chăng những kẻ dại khờ cố tình rêu rao, bôi bác để tuyên truyền cho nhu cầu "chính trị" đầy hoang tưởng?

Trở lại tàu, thêm hơn 3 giờ hải hành, tàu HQ-571 vẫn êm ả trong điệu vũ sóng Trường Sa. Trời vẫn quang và mây vẫn tạnh. Không khí rất hoà bình và bình an. Màu xanh cuả trời quyện hoà với màu xanh cuả biển xen lẫn với màu xanh (lá cây) cuả đảo tạo thành bức tranh màu sắc quê hương và biển cả đầy tình người và tình quê hương. Màu xanh hi vọng cùng với xanh sức sống khiến Phó Nhòm Bolsa đứng trên boong tàu không khỏi bùi ngùi nghĩ đến những người chiến sĩ còn lại cô đơn trên hải đảo. Một chút ngậm ngùi rướm mắt, cầu xin một lời bình an cho những người con yêu đang bảo vệ tổ quốc.

Khoảng 1 giờ 30 trưa tàu đến đảo Sinh Tồn Đông. Mọi người vừa dùng xong bữa cơm trưa cho nên cũng cần hoạt động thể dục bao tử. Tại Sinh Tử Đông đoàn thăm viếng, nghe thuyết trình, tặng quà lưu niệm cho binh sĩ đồn trú. 4 giờ 30 chiều trở về HQ571 trực chỉ đảo Đá Tây.

Xin hẹn độc giả KBCHN, Việt Weekly, Phố Bolsa TV Trường Sa Ký Sự kỳ 5.



http://kbchn.net/news/Ky-su-Truong-S...Sa-dot-1-3532/

http://kbchn.net/news/Ky-su-Truong-S...a-phan-2-3539/

http://kbchn.net/news/Ky-su-Truong-S...-Nam-Yet-3562/

http://kbchn.net/news/Ky-su-Truong-S...ton-dong-3571/

Nguồn: KBCHN

Các bài liên quan




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét