Thứ Tư, 16 tháng 5, 2012

Chiếc thòng lọng cho quân thù

Qua mỗi năm, con đường Trường Sơn ngày càng được mở rộng hơn, vươn xa hơn vào phía Nam, như nút thòng lọng đang thít dần, xiết chặt vào cổ chế độ Sài Gòn.
Con đường trên đỉnh Trường Sơn
Từ một nhóm người gùi thồ, tuyếnvận tải Trường Sơn đã phát triển lên hình thức vận tải bằng ô-tô. Từ một vài con đường mòn phía Đông, Đoàn 559 đã xây dựng một mạng lưới giao thông phức tạp với 5 trục dọc và hàng chục trục ngang vắt qua cả Đông và Tây Trường Sơn với tổng chiều dài hàng chục ngàn km.

Từ Đông sang Tây

Buổi đầu, Đường 559 chỉ là những đường mòn chạy trong các khu rừng phía Đông Trường Sơn để vận chuyển người và vũ khí cho tiền tuyến. Sau đó, do nhiều yếu tố bất lợi, Đoàn 559 quyết định chuyển sang phía Tây Trường Sơn để đi trên đất Lào và Campuchia, mặc dù đi xa hơn nhưng an toàn hơn vì Mỹ - Ngụy khó kiểm soát được.

Năm 1961, được sự hỗ trợ của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Đoàn 559 đã bắt đầu hoạt động vận tải của mình ở khu vực Sê Pôn. Từ đó cho đến năm 1973, các con đường vượt dãy Trường Sơn chủ yếu đi trên đất Lào, Campuchia. Cũng ở đây, ta bắt đầu mở những con đường kết nối với nhau tạo thành mạng lưới đường vận tải đan xen lợi hại. Đến năm 1974, khi quân Mỹ đã rút hết, khả năng đánh phá ngăn chặn của Ngụy quân đối với đường Trường Sơn không được như trước nữa, ta mới chủ trương mở lại đường phía Đông Trường Sơn. Lúc này đường phía Đông Trường Sơn giúp rút ngắn cung chặng hơn nhiều, bộ đội hành quân cũng đi nhanh hơn.



Lính lái xe làm lễ xuất quân trước chiến dịch vận tải. Ảnh: tư liệu.


Năm 1965, Mỹ ồ ạt đổ quân vào trực tiếp tham chiến ở miền Nam. Trước tình hình đó, quân ta cũng tăng cường xây dựng đường Trường Sơn lên thành đường cơ giới để đáp ứng nhiệm vụ chi viện chiến trường. Đầu năm 1965, thiếu tướng Phan Trọng Tuệ đang là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, được cử làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Đoàn 559 để tập trung nhân tài vật lực cho việc mở các tuyến đường cơ giới ở Trường Sơn. Cho đến năm 1966 đã có gần 1.000 km đường cơ giới được xây dựng.

Trong cuốn hồi ký Đường xuyên Trường Sơn, trung tướng Đồng Sĩ Nguyên viết: “Đoàn đã làm được gần một nghìn cây số đường ô-tô từ Mụ Giạ, Cổng Trời (đường 12) vào Tà Xẻng (khu vực ba biên giới) vươn sang Tà Ngâu, Xiêm Pạng (đất bạn Campuchia). Ngoài trục dọc, lúc này đã có đường 20 Quyết Thắng nối Đông và Tây Trường Sơn, không còn độc đạo về tuyến vượt khẩu”.

"Ngựa sắt" xung trận

Từ năm 1965, vận tải cơ giới được đưa vào thử nghiệm ở Trường Sơn nhưng chưa thành công do điều kiện thời tiết và sự đánh phá quyết liệt của địch. Mặc dù vậy, trong năm này lượng hàng hóa chuyển vào Nam gần bằng tổng khối lượng 5 năm trước.



Zil 157, một trong những loại xe chủ lực của bộ đội vận tải Trường Sơn. Ảnh: tư liệu.


Sang năm 1966, khi ông Đồng Sĩ Nguyên được cử làm Tư lệnh 559, ông đã có những chỉ đạo tạo ra bước ngoặt cho hoạt động vận tải của tuyến đường. Các khẩu đội cao xạ cũng như các vị trí chỉ huy binh trạm trước đây đóng xa đường, nay được yêu cầu di chuyển ra gần khu vực đường trọng điểm để tiện chỉ huy. Lái xe bây giờ không còn cảm giác “đơn thương độc mã” dưới làn bom đạn của máy bay địch vì qua các trọng điểm đều có công binh, cao xạ, thanh niên xung phong trực sẵn để hỗ trợ nếu bị địch đánh phá. Kết thúc mùa khô năm 1966, Bộ tư lệnh 559 lại tổ chức diễn tập chiến dịch vận tải quy mô lớn để rèn luyện thêm cho chỉ huy và chiến sĩ trong đoàn về tổ chức vận tải cơ giới quy mô lớn.

Địa bàn diễn tập từ ngã ba Khe Giao (Hà Tĩnh) đến Khe Ve (Quảng Bình), với 560 xe ô-tô, gồm ba tiểu đoàn xe của Đoàn 559, hai tiểu đoàn xe của Tổng cục Hậu cần tiền phương. Một số tiểu đoàn công binh, thanh niên xung phong của Binh trạm 2 và Binh trạm 12 tham gia bảo đảm cầu đường, bốc dỡ hàng. Năm tiểu đoàn cao xạ, ba đại đội súng máy phòng không đang tác chiến tại chỗ cũng được huy động diễn tập…



Trọng điểm Tha Mé trên đường Trường Sơn. Ảnh: tư liệu


Trên suốt 150km, có ba trọng điểm tổ chức chỉ huy bộ đội hiệp đồng binh chủng là Khe Giao, La Khê và Khe Ve. Những quy định đường vào, đường ra, điểm tránh nhau, thời gian xe tập kết, xuất phát đều được triển khai nhịp nhàng, thống nhất. Cuộc diễn tập kéo dài một tháng và kết quả đã lập tại tổng kho Tuyến 559 hơn 8.200 tấn vật chất”. Từ đó, những đoàn ô-tô vận tải đã chính thức thay thế cho phương thức gùi thồ của người và gia súc trên tuyến vận tải Trường Sơn, đồng thời, đánh dấu một bước nhảy vọt về trình độ tổ chức vận tải của Đoàn 559.

Nỗi ám ảnh cho Mỹ - Ngụy


Đường Trường Sơn càng phát triển lên bao nhiêu thì nỗi ám ảnh mà nó gây ra đối với các tướng lĩnh của phe bên kia lại càng lớn bấy nhiêu. Ngay từ khi còn là một con đường gùi thồ trong rừng, các đơn vị bộ đội còn phải đi bộ nửa năm mới vào đến miền Nam, nó đã khiến cho tướng lĩnh Mỹ - Ngụy luôn luôn lo lắng.

Trong cuốn Tường trình của một quân nhân, Westmoreland - từng là Tư lệnh quân Mỹ ở Việt Nam đã viết về đường Trường Sơn với những nỗi lo sợ thường trực: “Chỉ ít ngày sau khi tôi đến Việt Nam lần đầu năm 1964, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ đã đề nghị đánh vào căn cứ bên ngoài của cuộc nổi loạn tức là ném bom Bắc Việt Nam”. “Mặc dù tôi đã cầm chắc là Bắc Việt Nam đang chi viện cho cuộc nổi loạn và cuối cùng chúng ta sẽ phải làm điều gì đấy, nhưng tại sao lại có những hành động khiêu khích khả dĩ làm cho Bắc Việt Nam tăng cường tham chiến vào lúc quân Nam Việt Nam rõ ràng chưa thể đối phó được. Tôi đặc biệt lo sợ là Bắc Việt Nam sẽ trả lời việc ném bom bằng cách đưa những đơn vị lớn vào miền Nam. Trừ khi có sự can thiệp trực tiếp của Liên Xô, Trung Cộng - điều mà tôi thấy không có khả năng xảy ra. Bắc Việt Nam không thể phản ứng bằng cách nào khác nếu không phản ứng trên bộ? Lúc bị sức ép tăng cường thì cái cơ cấu mỏng tang là Nam Việt Nam sẽ sụp đổ”.
(Đất Việt)

Các bài liên quan




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét