Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2012

Trường Sa hôm nay: Ghé thăm “đảo dừa”


Ở huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), hiếm có nơi nào nhiều dừa như ở Nam Yết. Nơi đây, từng hàng dừa vững chãi, vươn lên thẳng tắp, căng tròn nhựa sống, là lá chắn bão táp cho đảo giữa biển khơi mênh mông.





Từng hàng dừa thẳng tắp, dẻo dai
– lá chắn bão tố cho đảo Nam Yết

Đặc sản của Nam Yết

Sau 2 ngày dừng chân ở Song Tử Tây, Đoàn công tác số 6 tiếp tục hành trình tới Nam Yết – đảo lớn thứ 2 thuộc quần đảo Trường Sa. Từ Song Tử Tây đi Nam Yết mất khoảng nửa ngày hải trình. Chỉ huy trưởng đảo Nam Yết – Thượng tá Bùi Văn Chiến ra tận bến đón những xuồng khách đầu tiên cập bờ. Anh hồ hởi giới thiệu với chúng tôi các đặc sản "độc” và "lạ” của đảo. Trong số đó, chúng tôi đặc biệt chú ý tới "Dừa”.

Dừa ở Nam Yết không phải là loại thực vật duy nhất, vì bên cạnh loại cây này còn có những cây khác như: phong ba, bão táp, bàng vuông, đu đủ, vốn sống phổ biến tại các đảo nổi thuộc quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, xét về số lượng và sức sống mãnh liệt của loại cây này thì ở Nam Yết là nhiều hơn cả. Thượng tá Chiến cho biết: dù thổ nhưỡng và khí hậu chưa phải là tốt nhất, nhưng dừa vẫn thích nghi một cách rất tuyệt vời. Dừa giúp lính đảo cải thiện đồ uống mát lành, đồng thời cũng giúp đảo chống chọi với những cơn bão lớn thường xảy ra vào dịp cuối năm. Nhiều lính đảo còn sử dụng sọ dừa khô để làm gáo muc nước, thiết kế những hộp quà nho nhỏ gửi tặng về đất liền, hoặc lá dừa thì dùng để lợp giàn chắn sóng, chống nhiễm mặn cho các vườn rau xanh,...

Lính trẻ đảo Nam Yết, Trung úy Lưu Văn Hiếu cho biết: dừa ở đảo ra trái hầu như quanh năm, nhưng khoảng tháng Chạp âm lịch thì dừa ra ít hơn, lính đảo gọi là "nghịch mùa”. Dù vậy, vào những mùa khô, dừa đậu trái rất nhiều, mỗi cây có từ 2 đến 3 buồng. Thường vào dịp này, mỗi vị khách từ đất liền ra thăm đảo sẽ được thưởng thức một trái dừa mát lành của đảo.

Ngoài dùng làm thức uống giải khát, dừa cũng được lính đảo Nam Yết sử dụng làm các bài thuốc cổ truyền. Theo Trung úy Lưu Văn Hiếu, không giống như cây nhàu (một đặc sản khác của đảo) được dùng uống như nước trà, chữa bệnh huyết áp thì dừa là một "biệt dược” để anh em chiến sĩ sử dụng chữa tiêu chảy, cũng như một số chứng chảy máu cam, cảm nắng.

Nghe Trung úy Hiếu kể về tác dụng của dừa, chúng tôi "mắt chữ A, miệng chữ O” nhìn anh như muốn nuốt từng lời. Đem thắc mắc hỏi bác sĩ Hoàng Quốc Khánh (công tác tại Bệnh xá đảo Nam Yết), chúng tôi được anh cho biết thêm nhiều tác dụng chữa bệnh của dừa, mà trước đây dù đã được học đến 45 tiết y học đại cương hồi học đại học nhưng chúng tôi cũng không thể hình dung ra hết. "Nước dừa rất tinh khiết, không độc, giúp giải nhiệt, cầm máu rất tốt. Đôi khi, trong y học thì người ta còn có thể dùng nước dừa làm dịch truyền nữa” - bác sĩ Khánh cho biết.



Cây dừa Nam Yết có lá mọc thẳng đứng,
vượt lên trên cả cây phong ba, bão táp là hình ảnh
rất đặc biệt mà chúng tôi ghi nhận được

Lá chắn bão táp

Trước đây, trong nhiều dịp công tác ở đất liền, chúng tôi đem câu chuyện về người phụ nữ trong bài hát "Dáng đứng Bến Tre” hỏi các anh em bên Hội Văn học Nghệ thuật của tỉnh này, được các anh cho biết nhiều giai thoại thú vị về hình tượng người con gái trong bài hát, nhưng có một chi tiết tôi thắc mắc mãi là "Dáng đứng Bến Tre” và dáng đứng của người con gái, thực ra giống nhau nhất ở điểm nào? Mãi sau này, khi dự "Festival Dừa Bến Tre lần thứ 2” cách đây 2 năm, các anh mới giải thích một đoạn mà tôi cho là chí lý – đó là mái tóc và lá dừa. Thực ra, trong lời bài hát, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cũng đã dùng một hình ảnh rất sắc ở đoạn kết để ẩn dụ, là "Lại nhớ tóc ai dài còn mang dáng đứng Bến Tre”. Xét vậy, chúng tôi cười và không ngớt thán phục cách giải thích của các anh.

Trở lại câu chuyện của chúng tôi với Trung úy Lưu Văn Hiếu, anh kể về sức chống chọi rất tuyệt vời của dừa Nam Yết. Hiếu lấy ra dẫn chứng để thuyết phục chúng tôi là dừa ở Nam Yết do phải chống chọi với thời tiết khắc nghiệt, mưa bão quanh năm nên độ dẻo dai bao giờ cũng mãnh liệt hơn so với dừa ở đất liền. Đặc biệt, thân dừa có độ đàn hồi cao, có thể chịu được bão cấp 8, cấp 9 là bình thường, thậm chí có thể là bão mạnh hơn thế.

Quả thực, dừa ở Nam Yết có một sức sống thật đặc biệt. Hôm chúng tôi cùng một số anh em trong đoàn nhà báo đi thăm một vòng quanh đảo, chứng kiến những lá dừa xanh mướt, tán lá đâm theo chiều thẳng đứng lên trên, vượt qua cả tán của phong ba, bão táp mọc chen chúc thành một thảm xanh bên dưới. Rõ ràng, lá dừa ở đây không mở tán quá rộng như hình ảnh mái tóc của người phụ nữ bay trước gió, như trong bài hát "Dáng đứng Bến Tre”, mà lá dừa ở Nam Yết lại đâm thẳng lên như những bàn chông bằng tre lứa vót nhọn, hiên ngang trước giông tố, bão táp. Vậy là, từ những tò mò ban đầu về việc dừa tại sao được trồng nhiều ở Nam Yết, qua chuyện trò của các chiến sĩ, chúng tôi tiếp tục biết thêm nhiều thông tin về một trong những loại cây đặc sản trên đảo.

Đoàn công tác chỉ dừng chân ở Nam Yết vỏn vẹn 3 tiếng, rồi lại rời đi thăm các đảo chìm, đảo nổi và nhà giàn, để lại trong mỗi chúng tôi những cảm xúc khó tả về một "Dáng đứng hiên ngang, sừng sững, nhưng cũng có thể dễ dàng uốn cong để vượt qua những đợt bão tố khắc nghiệt trên biển, gìn giữ bình yên cho những người lính đang ngày đêm canh giữ biên cương xa xôi của Tổ quốc”.


THÀNH LUÂN

Nguồn: ĐĐK

Các bài liên quan




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét