Nắng, mưa, giông bão là việc của trời, nhưng cũng là nhiệm vụ hàng ngày của lính khí tượng xã đảo Song Tử Tây. Các anh ngày đêm bám trụ nơi đầu sóng, ngọn gió để chuyển về đất liền những thông tin thời tiết quan trọng, giúp hàng chục ngàn ngư dân kịp thời neo đậu vào các khu vực an toàn trên biển và gần bờ khi có bão.

Hệ thống khí tượng, thông tin liên lạc ở Song Tử Tây
đang ngày càng được hiện đại hóa - Ảnh: HỒNG PHÚC
Trạm khí tượng thủy văn Song Tử Tây (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) thuộc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung bộ. Công tác tại trạm là những người lính tuổi đời còn rất trẻ, nhưng giàu chuyên môn, nhờ được đào tạo bài bản từ các trường đại học chuyên ngành trong đất liền.
Nơi đây: Đảo là nhà!
Ở Trạm khí tượng thủy văn Song Tử Tây có 4 cột đo thủy văn hiện đại để xác định độ ẩm không khí, nhiệt độ, thời gian nắng và lượng mưa cho một khu vực rộng đến hàng trăm hải lý. Lúc chúng tôi ghé thăm trạm thì trạm trưởng Trương Tiến Độ (37 tuổi, quê Hà Nam) vẫn dở tay ghi chép các thông số khí tượng trong ngày. Phía bên trên cột quan trắc, hai cánh cửa được mở hé, còn Độ thì ghé sát vào cột hiển thị mã vạch trên đó để ghi ghi chép chép. Nhìn anh cần mẫn giữa trưa hè nắng gắt, say sưa với công việc mà các anh thường tán vui là "cơm bữa”, chúng tôi mới cảm nhận hết sự vất vả, khó khăn mà những người lính khí tượng phải trải qua tại nơi xa đất liền tới hơn 300 hải lý.
Trạm trưởng Trương Tiến Độ được phân công ra công tác tại xã đảo Song Tử Tây từ đầu tháng 4-2012. Dù vậy, anh đã bắt nhịp rất nhanh với cuộc sống trên đảo. "Người dân mỗi lần đi đánh bắt được mẻ cá lớn, thường dành một phần cho cán bộ trạm khí tượng và bộ đội trên đảo. Mỗi bữa ăn được con cá tươi, với rau xanh trồng trên đảo, anh em công tác ở trạm cảm nhận ấm áp lắm”.
Độ kể, mấy tuần nay Song Tử Tây đón nhiều đoàn từ đất liền ra thăm, tặng quà. Bà con từ đất liền ra cũng thường xuyên ghé trạm chơi. Có anh em còn tham gia vào đội bóng của trạm đá giao hữu với lính đảo nên tâm lý ai nấy đều rất phấn khởi.

Trạm trưởng trạm khí tượng thủy văn Song Tử Tây
ghi nhận các số liệu quan trắc chuẩn bị gửi vào đất liền
Đang dở câu chuyện, trạm trưởng nhanh nhảu giới thiệu với chúng tôi một cán bộ trẻ mới được điều từ đất liền ra làm nhiệm vụ. Anh là Nguyễn Thành Duy, năm nay mới vừa tròn 25 tuổi, là quan trắc viên làm nhiệm vụ tổng hợp các dữ liệu khí tượng. Duy ra trước trạm trưởng gần 5 tháng, nên đã có cảm giác nhớ gia đình và bạn bè ở đất liền. Dù vậy, khi chúng tôi hỏi "Nếu đơn vị yêu cầu ở Song Tử Tây làm việc thêm một thời gian nữa, anh có nhận không?”, Duy trả lời ngay: "Sẵn sàng thôi anh ạ, bố mẹ em ở nhà cũng động viên còn trẻ nên cố gắng cống hiến...”. Duy sinh ra ở Thái Bình, ngay từ thời học phổ thông đã nung nấu ước mơ được làm lính khí tượng, nhưng vì nhiều lý do, cuối cùng em chọn học Cao đẳng Tài nguyên – Môi trường (Hà Nội). "Bù lại, em rất tự hào vì cuối cùng ra trường lại được làm nhiệm vụ ở đảo xa - Nơi không lúc nào thiếu tình cảm của đất liền”, Duy tâm sự.
Những người "gác bão”
Trạm khí tượng thủy văn Song Tử Tây được trùng tu, xây dựng từ tháng 6-1988 theo quyết định của Tổng cục Khí tượng Thủy văn. Từ đó đến nay, qua 24 năm đã có hàng chục lượt cán bộ khí tượng được điều chuyển từ đất liền ra công tác. Ngày 1-7 hàng năm được chọn làm ngày kỷ niệm ngày đầu tiên thu nhận các dữ liệu quan trắc gửi về đất liền. Theo trạm trưởng Trương Tiến Độ, thì vào tháng 9-2001 Trạm được trùng tu thêm một lần nữa, trước khi đưa vào sử dụng năm 2005. "Trước đây, trạm quan trắc một ngày 3 lần, vào các cung giờ: 7h, 13h và 19h và theo dõi thời tiết từ 5h – 20h mỗi ngày, sau đó toàn bộ dữ liệu được phát về trung tâm tại Đà Nẵng, từ đây các số liệu được chuyển tiếp về Hà Nội. Đến đầu năm 1995 thì trạm phát về Đài khu vực Nam Trung bộ và hệ thống bắt đầu được nối mạng vi tính với các dữ liệu được cập nhật liên tục”.
Theo các cán bộ khí tượng từng làm việc tại trạm khí tượng thủy văn Song Tử Tây trước đây thì mùa biển động, kèm theo những cơn bão bất thường là khoảng thời gian mà lính khí tượng phải "gác bão” cả ngày đêm. Ngoài việc phải khắc phục địa vật, địa hình, trạm trưởng Trương Tiến Độ cho biết: "Vào mùa biển lặng thì cứ 6 tiếng chúng tôi gửi số liệu về trung tâm một lần (7h, 13h, 19h và 1h đêm), cứ thay nhau mỗi người trực một ngày. Nhưng, khi có bão thì chúng tôi phải gửi liên tục dữ liệu quan chắc 1 tiếng/lần và anh em thay nhau trực chiến ở trạm”.

Quan trắc viên Nguyễn Thành Duy kiểm tra
các thông số quan trắc theo lịch trình
6 tiếng một ngày tại trạm khí tượng Song Tử Tây
Trước đây Độ từng công tác tại đảo Phú Quý 4 năm, sau đó còn một số lần làm nhiệm vụ tại Phan Thiết nên anh rất am hiểu công việc mà các cán bộ tại trạm khí tượng Song Tử Tây phải thực hiện trong các đợt mưa bão. Anh cho biết, mùa bão thường bắt đầu từ khoảng tháng 3 hoặc tháng 4 với các cơn áp thấp nhiệt đới có cường độ cấp 6, cấp 7. Nhưng vào cuối mùa bão (tháng 11, 12) mới thực sự có nhiều bão, áp thấp nhiệt đới có tầm ảnh hưởng rất lớn. Theo Độ, trong cơn bão mới nhất trên biển Đông (tên quốc tế là bão Pakhar) vào đầu tháng 4-2012 vừa qua, nhờ các thông tin kịp thời từ đài khí tượng Song Tử Tây chuyển vào đất liền mà hơn 40 lượt tàu bè của ngư dân nắm bắt thông tin, nhanh chóng vào âu tàu Song Tử Tây neo đậu, sau đó được quân và dân trên đảo giúp đỡ về các nhu yếu phẩm, rau xanh.
Quan trắc viên Mai Phương Nam (27 tuổi, quê Phú Yên) công tác tại trạm khí tượng Song Tử Tây được 22 tháng cho biết, ngoài việc phải "gác bão” thường xuyên, các anh em, cán bộ của trạm cũng tham gia tăng gia rau xanh. "Cuộc sống tuy có kham khổ hơn ở đất liền nhưng ở đảo không bao giờ thiếu tiếng cười; lúc nhớ nhà chúng tôi có thể gọi điện về cho người thân vì sóng điện thoại ở đây khá tốt, có thể nghe nói cả ngày”, Nam hồ hởi.
Trong câu chuyện riêng về tình yêu, hai quan trắc viên trẻ Mai Phương Nam và Nguyễn Thành Duy đều tâm sự với chúng tôi những quan điểm riêng về chuyện gia đình, vợ con; nhưng khi hỏi đến kế hoạch công tác tại Song Tử Tây thì các anh đều tâm tư muốn được "gác bão” thêm nhiều năm nữa. "Sẵn sàng thôi” - Câu trả lời ngắn gọn nhưng chan chứa ý chí khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ của những người lính khí tượng nơi đầu sóng, ngọn gió.
Nguồn: ĐĐK
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét