Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012
6 công nghệ tên lửa hiện đại nhất thế giới
Thứ Tư, 25/04/2012, 04:30 AM (GMT+7)
(Tin tuc) - Nhật báo The Christian Science Monitor của Mỹ ngày 23/4 đã thống kê 6 công nghệ tên lửa tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay.
Theo tờ báo này, thế giới vừa chứng sự thành công của đợt thử nghiệm tên lửa Ấn Độ và sự thất bại của vụ phóng tên lửa Triều Tiên, cùng với những cuộc tranh luận nóng bỏng về triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Châu Âu và vùng Vịnh. Dường như tên lửa đã chiếm một vị trí cực kỳ nổi bật trong thời gian gần đây. Dưới đây là sáu công nghệ tên lửa hiện đại mới đáng chú ý, trong đó 3 loại tên lửa tấn công và 3 loại phòng thủ.
1. Tên lửa Agni-5 của Ấn Độ
Ấn Độ lần đầu tiên thử nghiệm tên lửa đạn đạo có khả năng tấn công các thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh và Thượng Hải. Giới chức quốc gia đông dân thứ 2 thế giới này khẳng định rằng họ đã cho thấy một trong những công nghệ và khoa học tiến bộ và quyền năng nhất thế giới.
Ấn Độ phóng thành công tên lửa “Agni” -5
Các tên lửa đạn đạo “Agni” -5 với tầm xa 5.000 km, có khả năng mang 1,5 tấn đầu đạn hạt nhân, được coi là là một công cụ răn đe của Ấn Độ nhằm ngăn chặn sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực. Tuy nhiên, các phương tiện thông tin đại chúng Trung Quốc lại tỏ ra không mấy coi trọng thành tựu mới này của Ấn Độ và cho rằng đó chỉ là “trò trẻ con”.
2. Tên lửa Unha-3 của Triều Tiên
Chưa đầy 1 tuần trước khi Ấn độ phóng tên lửa “Agni” -5 , Triều Tiên cùng làm cả thế giới chú ý với chương trình phóng tên lửa Unha-3.
Tên lửa Unha-3 của Triều Tiên đã phóng lên bị thất bại. Ảnh: Tân Hoa Xã
Bình Nhưỡng khẳng định đây chỉ là hoạt động đưa vệ tinh vào quỹ đạo những các nhà quan sát nước ngoài tin rằng đó chỉ là vỏ bọc cho một vụ phóng tên lửa tầm xa. Tuy nhiên, tên lửa đã rơi xuống biển Hoàng Hải ngay sau khi rời khỏi bệ phóng.
3. Tên lửa hành trình Hyunmu thế hệ mới của Hàn Quốc
Hôm 19/4, giới chức Hàn Quốc khẳng định nước này vừa triển khai một tên lửa hành trình tầm xa mới có khả năng “nhấn chìm” toàn bộ các cơ sở tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Ông Shin Won-sik, thiếu tướng Shin Won-sik, chịu trách nhiệm hoạch định chính sách ở Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, cho hay tên lửa mới tự chế tạo này có tầm bắn hơn 1.000km và có thể “tấn công ngay lập tức bất cứ nơi nào trên lãnh thổ CHDCND Triều Tiên”. Các quan chức Hàn Quốc khẳng định thành công của vụ thử tên lửa “Hyunmu" truyền đi thông điệp với Triều Tiên rằng Seoul không lo sợ trước bất cứ mối đe dọa nào từ Triều Tiên.
4. Hệ thống đánh chặn tên lửa của Mỹ
Khi tên lửa ngày càng không còn xa lạ gì với thế giới, câu chuyện đặt ra là một hệ thống đánh chặn tương ứng, và đó cũng là một mối quan tâm không kém phần quan trọng. Mỹ là một trong những nước quan tâm nhất đến công nghệ phòng thủ tên lửa.
Ngay từ thời Tổng thống George W. Bush lên nắm quyền, các quan chức Mỹ và NATO đã ủng hộ kế hoạch thiết lập một hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu để đối phó với các cuộc tấn công tên lửa từ Iran. Kế hoạch này vẫn tiếp tục được phát triển tới thời của Tổng thống Obama, tất nhiên có thay đổi ít nhiều về hình thức. Tuy nhiên kế hoạch này khiến Nga "khó chịu" bởi theo Kremlin hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu của Mỹ và NATO nhằm vào Nga cũng như kho tên lửa đạn đạo lớn của nước này.
5. Hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 của Iran
Có lẽ do quá nhiều nước nhòm ngó và tìm cách đối phó với tên lửa của Iran nên nước này quyết định phát triển lá chắn tên lửa riêng. Theo kế hoạch ban đầu, Iran dự định triển khai các kế hoạch phòng thủ tên lửa bằng cách nhập khẩu các tên lửa S-300 của Nga, tuy nhiên kế hoạch này thất bại khi Mỹ và phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt cấm xuất khẩu vũ khí cho Iran. Mới đây, Đài PressTV dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Iran Ahmad Vahidi cho biết nước này đã phát triển thành công một hệ thống phòng thủ tên lửa nội địa tiên tiến dựa trên hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 của Nga.
Hãng thông tấn bán chính thức Fars của nước này còn đưa tin rằng Iran gần đây còn công khai chỉ trích ý đồ thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại vùng Vịnh bằng cách sử dụng cái gọi là "mối đe dọa từ Iran" để tăng cường sự hiện diện bất hợp pháp trong khu vực.
6. Hệ thống tên lửa Iron Dome của Israel
Là hệ thống đánh chặn tên lửa tiên tiến nhất hiện nay, Iron Dome được triển khai ở miền nam Israel và bao quanh Dải Gaza. Do Israel thiết kế và Mỹ tài trợ một phần, hệ thống Iron Dome có khả năng bám đuổi các tên lửa đang trên đường bay tới lãnh thổ Israel và nhanh chóng dự đoán tên lửa mục tiêu của tên lửa đối phương. Nếu xác định khu vực ảnh hưởng là nơi dân cư đông đúc, hệ thống sẽ phóng phương tiện đánh chặn để phá hủy tên lửa của đối phương.
Nguồn: http://hn.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/6-cong-nghe-ten-lua-hien-dai-nhat-the-gioi-c46a450125.html
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét