Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012
Diễn biến mới Trung Quốc-Philippines tại Biển Đông
(Toquoc)-Cuộc đối đầu lúc tăng lúc giảm, trong khi Mỹ-Philippines bắt đầu cuộc tập trận quy mô lớn.
6 tàu thuyền đánh cá của Trung Quốc và 2 tàu hải giám của Trung Quốc đã rời khu vực Scarborough Shoal/Hoàng Nham hai ngày trước khi Mỹ và Philippines bắt đầu tiến hành cuộc tập trận lớn kéo dài hai tuần, gần khu vực tranh chấp.
Cuộc chạm trán và dằng co giữa tàu thuyền Trung Quốc và tàu tàu Philippines tại bãi đá Scarborough Shoal, tháng 4/2012
Mỹ-Philippines tập trận “Balikatan”
Hôm nay, 16/4, 4.500 binh lính Mỹ và 2.300 binh lính Philippines tham gia cuộc tập trận mang tên “Balikatan” (Vai kề vai). “Balikatan” diễn ra từ ngày 16-27/4 trên đảo Luzon và Palawan, một hòn đảo nhỏ nằm ở cực Tây của quốc gia này.
Cuộc tập trận nói trên là sự kiện hợp tác quân sự hàng năm giữa Mỹ và Philippines, dự kiến sẽ thu hút sự quan tâm lớn bởi một số khoa mục của cuộc tập trận sẽ diễn ra gần vùng biển nhạy cảm mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền. Sĩ quan phát ngôn cho cuộc tập trận của quân đội Philippines nói: “Mục tiêu của chúng tôi không phải là chống lại bất cứ quốc gia nào. Mục tiêu của chúng tôi là bảo đảm an ninh hàng hải và bảo vệ các lợi ích của đất nước chúng tôi”.
Theo AFP, ông Blaxland, chuyên gia chính trị và an ninh khu vực của trường Đại học Quốc gia Australia, trong bối cảnh hiện nay, cuộc tập trận “Balikatan” sẽ có thêm một ý nghĩa. Nó phát đi một thông điệp đến Trung Quốc: “Đó là một thông điệp tinh tế quả quyết rằng Mỹ rất nghiêm túc trong việc can dự vào châu Á và sẽ hỗ trợ các quốc gia đang cần giúp đỡ”.
Theo các báo Philippines ngày 15/4, một ngày trước đó, 1 tàu và 5 thuyền đánh cá Trung Quốc đã rời khu vực tranh chấp cùng với số hải sản đánh bắt được, kết thúc sáu ngày đối đầu. Philippines cũng rút tàu tuần tra ven biển. Cả hai nước để lại tàu nghiên cứu hải dương. Nhưng liền sau đó, 1 tàu hải giám Trung Quốc trở lại cùng biển tranh chấp. Máy bay Trung Quốc quần thảo trên vùng trời có tàu của Philippines tại vùng biển này. Cuộc đàm phán ngoại giao tại Manila vẫn tiếp tục để tháo ngòi căng thẳng lúc tăng lúc giảm.
Cuộc tập trận Balikatan 2011 giữa quân đội Mỹ và Philippines: tăng cường hợp đồng tác chiến trên biển và trên các đảo
Trung Quốc lại “lên giây cót” cứng rắn với Philippines và Việt Nam
Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc ngày 13/4 đăng xã luận kêu gọi “xác lập cái uy là nhiệm vụ cấp thiết của Trung Quốc hiện nay tại Nam Hải”, cho rằng một số nước như Philippines, Việt Nam từ lâu đã không để ý đến những cảnh báo của Trung Quốc, điều này khiến cho xác suất xảy ra xung đột giữa các nước này với Trung Quốc trở nên cao hơn. Dùng kháng nghị và khuyên răn Philippines và Việt Nam bình tĩnh trở lại có lẽ là vô ích. Trung Quốc cần áp dụng hành động kiên quyết bảo vệ chủ quyền cũng như thể hiện thái độ chủ nghĩa hiện thực hơn đối với vấn đề tranh chấp Biển Đông.
Cuộc đối đầu tại đảo Hoàng Nham giữa Trung Quốc và Philippines đã đem lại một cơ hội quan trọng. Trung Quốc nhất định phải toàn thắng trong cuộc xung đột lần này, tái xác lập nhận thức của các nước có đòi hỏi chủ quyền tại Biển Đông về quyết tâm bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc, khiến cho các nước này từ nay về sau phải suy nghĩ trước khi muốn xung đột với Trung Quốc.
Trung Quốc nhất thiết phải tăng thêm lực lượng hải giám đến đảo Hoàng Nham, đồng thời phải để cho hải quân Trung Quốc làm tốt công tác chuẩn bị ứng cứu và chi viện. Hải quân là sự hậu thuẫn mạnh mẽ của lực lượng hải giám và chấp pháp ngư chính, Trung Quốc không cần thiết phải che giấu ý đồ này.
Thời báo viết: Trung Quốc đồng thời cũng cần thông qua cuộc xung đột lần này tại đảo Hoàng Nham để xác lập lòng tin tại Nam Hải. “Lòng tin” này chính là Trung Quốc sẽ kiên trì nguyên tắc giải quyết hòa bình tranh chấp Biển Đông, không chủ động khiêu khích xung đột quân sự, nguyên tắc lớn này của Trung Quốc sẽ không vì căng thẳng leo thang tại đảo Hoàng Nham mà thay đổi.
Trung Quốc cũng cần thể hiện sức mạnh nước lớn của mình trong cuộc xung đột với Philippines lần này. Chênh lệch sức mạnh quá lớn giữa Trung Quốc và Philippines là sự thật, điều đó chí ít không gặp phải sự coi thường và giễu cợt từ phía Philippines. Manila thường bộc lộ cuồng vọng "lấy nhỏ bắt nạt lớn", là một trong những biểu hiện không hiểu biết nguy hiểm nhất trong quan hệ quốc tế. Trung Quốc cần nhân cơ hội này, nâng cao toàn diện mật độ và sức mạnh của lực lượng hải giám, ngư chính trong chấp pháp tuần tra tại Biển Đông. Trung Quốc cần đẩy nhanh việc đóng mới và triển khai các tàu hải giám trọng tải lớn, sẵn sàng sử dụng các biện pháp đối kháng kể cả việc đâm vào các tàu nước ngoài khi xâm phạm lãnh hải. Trung Quốc còn cần nghiên cứu nghiêm túc, nhanh chóng thực hiện kiến nghị của một số học giả về thành lập bộ đội cảnh vệ bờ biển, đồng thời cần tính toán xây dựng công trình vĩnh cửu và lực lượng bảo vệ liên quan tại đảo Hoàng Nham.
Trung Quốc không phải lo sợ sự chỉ trích của Philippines, Việt Nam và dư luận phương Tây. Trước đây, khi Trung Quốc kiềm chế, cũng không nhận được lợi ích từ dư luận.
Trong tính phức tạp của tình hình Biển Đông còn có sự kiềm chế của chủ nghĩa dân tộc đang nổi lên trên toàn khu vực Đông Á đối với chính trị các nước, và sự kích động của Mỹ về nguồn tài nguyên chiến lược Biển Đông khi quay trở lại châu Á. Biển Đông đứng trước “cuộc chiến lâu dài”. Trung Quốc để tư tưởng ổn định, cũng không phẫn nộ không nóng nảy, như vậy sẽ khiến cho những nước khiêu khích tiêu tan nhuệ khí.
Qua cách ứng xử của Trung Quốc và lời lẽ của Thời báo Hoàn cầu trong vụ Scarborough Shoal/Hoàng Nham có thể thấy Trung Quốc đang tự mâu thuẫn với chính mình. Đồng thời, một số thế lực ở Trung Quốc tiếp tục gây sức ép sử dụng biện pháp thực lực. Cuộc tranh chấp Biển Đông, như nhận định của Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario, vẫn “trong tình trạng bế tắc”. Trong khi Mỹ đang tăng cường sự hiện diện tại khu vực này./.
Nguồn :http://hotrungnghia.multiply.com/journal
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét