Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012
Biển Đông, sân chơi của các siêu cường trong tương lai
Báo chí Pháp tiếp tục dành ưu tiên cho đề tài bầu cử. Nhưng trước hết xin điểm qua bài báo đăng trên tờ The Straits Times của Singapore mang tựa đề « Biển Đông, sân chơi của các siêu cường trong tương lai » : các nước lớn đang lao vào khu vực được Bắc Kinh coi là sân sau của Trung Quốc.
Tác giả bài báo Kor Kian Beng phân tích : Trung Quốc đã thất bại trong nỗ lực ngăn cản các siêu cường trên thế giới dòm ngó đến vùng Biển Đông, nơi Bắc Kinh đã xem là « sân sau » của riêng mình.
Hoa Kỳ đã tăng cường sự hiện diện qua đợt tập trận chung trên biển với Philippines và qua đợt giao lưu với hải quân Việt Nam. Hôm đầu tháng, tập đoàn dầu khí của Nga là Gazprom đã ký kết thỏa thuận với Việt Nam để khai thác dầu khí ở vùng đặc quyền kinh tế tại Biển Đông. Năm ngoái Việt Nam cũng đã ký kết một thỏa thuận tương tự với Ấn Độ.
Còn về phần mình, Nhật Bản luôn hiện diện trong vùng qua các chương trình đầu tư vào hạ tầng cơ sở với các nước ASEAN. Do vậy theo giới quan sát, trong tương lai không xa Biển Đông sẽ trở thành « sân chơi » của các nước lớn. Thậm chí có một số người còn lo ngại vùng biển này sẽ trở thành một « khu vực có tranh chấp ».
Phóng viên của tờ The Straits Times trích dẫn lời một chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Đông Á của Singapore, Ian Storey thì Biển Đông sẽ là nơi mà trong nay mai các nước lớn đọ sức với nhau bởi vì « nếu như tình hình cứ tiếp tục sôi động và khối lượng tàu bè qua lại ngày càng đông » thì « tất cả chỉ là vấn đề thời gian và đụng độ trên biển gần như là điều không tránh khỏi ».
Không một quốc gia nào muốn để Trung Quốc độc quyền kiểm soát vùng biển có tầm mức quan trọng như Biển Đông, nơi có đến 1/3 tàu bè của thế giới phải đi qua. Thêm vào đó các nước lớn còn có được sự hậu thuẫn từ một số nước nhỏ trong vùng. Đó là những quốc gia đang phản đối chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, và những quốc gia nhỏ đó sẽ tìm cách « quốc tế hóa » vấn đề tranh chấp trên biển.
Chuyên gia về quan hệ quốc tế thuộc trường Đại học Sư phạm Hoa Đông của Trung Quốc, giáo sư Yang Cheng cho rằng « một số các nước nhỏ sẽ nghiêng hẳn về phía một siêu cường và mạnh dạn hơn để chống lại Trung Quốc » như trường hợp đã thấy của Philippines. Tuy nhiên tính toán của những nước nhỏ đó không phải là không có rủi ro, vì « sự kiên nhẫn của Trung Quốc chỉ có hạn »
Nguồn :http://hotrungnghia.multiply.com
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét