Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012

Trung Quốc bạo chi ngân sách quốc phòng cho mục tiêu mới




Con số chi tiêu quân sự mới của Trung Quốc trong năm nay – đặc biệt là kinh phí khá lớn và đang tăng mạnh dành cho công việc nghiên cứu và phát triển quân sự cũng như mua sắm – thể hiện mong muốn của Bắc Kinh là tiếp tục quyết tâm giành được sức mạnh quân sự tương xứng với sức mạnh mềm đang trỗi dậy.

Đầu tháng 3, Trung Quốc đã công bố ngân sách quốc phòng cho 2012, và lần đầu tiên phá vỡ ngưỡng biểu tượng 100 tỉ USD. Trong thực tế, chi tiêu quân sự Trung Quốc sẽ đạt tổng 106,4 tỉ USD, tăng 11,2% so với 2011 và con số này không bao gồm các khoản chi không công bố (có thể là hàng tỉ USD mỗi năm). Không một nước nào khác, ngoại trừ Mỹ dành ba con số cho chi tiêu quốc phòng.


Trung Quốc giờ đây không chỉ là nước đứng hai thế giới về chi tiêu quân sự mà họ còn có nhiều tiên hơn mọi quốc gia khác trừ Mỹ. Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản trong năm 2007 trở thành nước chi tiêu quốc phòng lớn nhất châu Á và sau đó là qua mặt Anh, thay thế vị trí thứ hai thế giới năm 2008.

Ngân sách quốc phòng mới công bố của Trung Quốc nhiều gấp đôi những nước chi tiêu hàng thứ ba thế giới (gồm Anh, Pháp và Nga - theo dữ liệu cung cấp của Viên Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm). Chi tiêu của họ bằng tất cả chi tiêu quân đội Đông Nam Á gộp lại và gần gấp ba lần đối thủ châu Á đang trỗi dậy là Ấn Độ.


Trung Quốc là nước lớn duy nhất đạt mức hai con số trong gia tăng chi tiêu quốc phòng hầu như mỗi năm kể từ khi chấm dứt Chiến tranh Lạnh. Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã tăng trung bình 13% mỗi năm trong 15 năm qua dẫn tới kết quả là con số 500% hay thậm chí nhiều hơn nữa trong thực tế đối với gia tăng chi tiêu quân sự kể từ 1997.


Tiền đi đâu?








Trung Quốc đã ra mắt máy bay chiến đấu tàng hình J-20 thế hệ 5. Ảnh: theaustralian


Rõ ràng, quân đội Trung Quốc (PLA) đã chi tiêu "khá phóng tay" trong 15 năm qua, nhưng tất cả số tiền gia tăng cho ngân sách quốc phòng hàng năm đã đi đâu?. Trung Quốc khẳng định rằng, mức gia tăng chi tiêu quốc phòng phần lớn là để giải quyết vấn đề chất lượng cuộc sống trong PLA: lương và phúc lợi cho lính, xây dựng các doanh trại mới... nhưng điều này hoàn toàn không đúng.


Hơn một thập niên, sách trắng quốc phòng Trung Quốc luôn nói rằng, gần 1/3 toàn bộ ngân sách quốc phòng dành cho nhân sự, 1/3 cho các hoạt động và 1/3 để "trang bị" tức là cho nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng như mua sắm. Cho dù các tỉ lệ này có lúc nhiều hơn hoặc ít hơn nhau kể từ cuối những năm 1990, nhưng nó vẫn đồng nghĩa với việc bất kỳ sự gia tăng nào cũng sẽ chia đều cho ba phân khúc đã kể trong ngân sách quân sự.


Giống như một sự phân chia chiến lợi phẩm, ở đây rõ ràng việc mua sắm và R&D được hưởng lợi. Ví dụ trong năm 1997, chi tiêu cho trang thiết vào khoảng 25,6 tỉ nhân dân tệ (xấp xỉ 3 tỉ USD thời điểm đó) hoặc tương đương với 32% tổng ngân sách quốc phòng Trung Quốc. Trong năm 2009, ngân sách cho trang thiết bị vẫn chiếm khoảng 32% tổng chi tiêu quân sự vào khoảng 400 tỉ nhân dân tệ (58,8 tỉ USD) - và hãy nhớ rằng hầu hết chi tiêu quân sự ở phương Tây dành trung bình chưa đầy 20% cho trang thiết bị. Nếu tỉ lệ 1/3 vẫn tiếp tục duy trì trong ngân sách cho 2012 thì sau đó, phí tổn mà PLA dùng để R&D và mua sắm quốc phòng năm nay có lẽ đã bằng một nước láng giềng nào đó - vào khoảng 35 tỉ USD.


Hay nói một cách khác, chi tiêu cho mua sắm quân sự của Trung Quốc đã tăng hơn 10 lần trong 15 năm qua, mặc dù tỉ lệ lạm phát thực sự có lẽ là gần sáu lần. Sự gia tăng trong ngân sách dành cho trang thiết bị cho phép PLA mở rộng đáng kể việc mua sắm các thiết bị hiện đại bao gồm máy bay chiến đấu thế hệ 4 (như J-10 hay Su-27), các tàu khu trục mới và một số tàu ngầm thông thường cũng như tàu ngầm hạt nhân.


Giả sử ở đây đưa ra một mức trung bình thấp khoảng 5% tổng chi tiêu quốc phòng dành cho R&D (tương tự như những gì mà các cường quốc hàng đầu Tây Âu đã chi dùng cho lĩnh vực này), thì người Trung Quốc có thể đã có xấp xỉ 6 tỉ USD/năm để phát triển các hệ thống vũ khí mới và nghiên cứu các công nghệ mới. Dĩ nhiên, con số này có thể dễ dàng cao hơn nhiều. Thực tế là, PLA đã nhanh chóng nắm bắt và tận dụng lợi thế được chi tiêu R&D cao hơn. Bằng chứng là họ đã ra mắt máy bay chiến đấu J-20 thế hệ 5, nghiên cứu tên lửa đạn đạo chống hạm, chiến hạm tàng hình mang tên lửa lớp Houbei...


Mục tiêu mới


Tiếp tục duy trì mức gia tăng hai con số hàng năm trong chi tiêu quân sự, cũng như phân bổ phần lớn ngân sách quốc phòng cho lĩnh vực R&D và mua sắm trang thiết bị, rõ ràng là Bắc Kinh đang mong muốn và tìm kiếm có được "sức mạnh cứng". Đó là sức mạnh quân sự để tương xứng với "sức mạnh mềm" trong tăng trưởng kinh tế, ngoại giao và văn hóa.


Ngoài nỗ lực cơ bản trên để có được sức mạnh quân sự vì vị thế nước lớn, không khó để hiểu rằng, dụng ý của Bắc Kinh còn là sử dụng sức mạnh quân sự đang trỗi dậy để thúc đẩy các lợi ích quốc gia của họ. Tâm điểm trong số ấy là tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông hoặc bảo vệ các tuyến đường biển sống còn với nguồn cung cấp năng lượng và thương mại; tăng sức ép với láng giềng để giành lợi thế và đối trọng với sự hiện diện quân sự ngày một lớn của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương - nếu không phải là tự thiết lập vị trí như một đối thủ đáng gờm với Mỹ trong khu vực này.


Do đó, hiện tượng tăng mạnh trong chi tiêu quân sự của Trung Quốc, đặc biệt là kể từ khi họ gia tăng liên tục và nhất quán trong suốt 1,5 thập niên là lý do thực sự đáng quan tâm; Trung Quốc có thể ngày càng thiên về việc sử dụng sức mạnh quân sự đang trỗi dậy của họ để đạt được hoặc củng cố các nỗ lực để đạt được các mục tiêu quốc gia của mình.



Richard A. Bitzinger là nhà nghiên cứu cấp cao của Chương trình Chuyển đổi quân sự tại trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nam Dương. Ông đã viết về các vấn đề quân sự và quốc phòng trong hơn 20 năm qua.
Nguồn :http://vietnamnet.vn

Các bài liên quan




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét