Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012
Thần tốc _Thế và lực
Cuộc Tổng tiến công thần tốc mùa xuân năm 1975 như một điều kỳ diệu, niềm tự hào và nguồn cảm hứng lớn lao, bất tận của các thế hệ người Việt Nam. Không có gì lạ bởi đó là trang sử đặc sắc, hiếm có trong lịch sử chiến tranh của Việt Nam và thế giới.
Thế hệ trẻ hôm nay cũng hiểu được rằng, để có được Mùa xuân thần tốc năm 1975 là cả một cuộc trường chinh 30 năm kháng chiến cứu nước dằng dặc gian lao, hy sinh gian khổ. Để có chiến thắng cuối cùng là cả một quá trình tổ chức xây dựng lực lượng, từ tay không, cuốc thuổng, gậy gộc, dần tạo lực, tạo thế, làm nên thế trận tổng hợp của chiến tranh nhân dân đánh thắng từng trận, từng bước, từng giai đoạn.
Quân Giải phóng vượt sông Vàm Cỏ Đông tiến về Sài Gòn. Ảnh tư liệu
Song, trong xây dựng đất nước không có thần tốc. Loài người đã tổng kết “Pa-ri không phải được xây trong một đêm” (ngạn ngữ). Bởi xây dựng, phát triển đất nước là cuộc đấu tranh để chiến thắng chính mình; là công cuộc sáng tạo, làm thay đổi từ bên trong mọi khía cạnh, thành tố của đời sống đất nước.
Trong kháng chiến, trước là kẻ địch quá mạnh, chủ quan, nóng vội dốc sức, dốc quân ngay từ đầu là thất bại, vì thế phải thực hiện trường kỳ, trì cửu (lâu dài). Ấy là lẽ tất nhiên, là quy luật tồn tại và chiến thắng trong lịch sử dân tộc ta. Trong xây dựng đất nước, chủ quan, nóng vội muốn tiến nhanh bất chấp thực trạng thế và lực trong, ngoài; bất chấp quy luật cũng không thể thành công. Trên thế giới, nhiều nước đã từng và đang gặp những điều tương tự. Ở ta cũng đã có những bài học ở các mức độ khác nhau.
Sau quá trình tăng trưởng và phát triển khá nhanh, chính ta đã nhận ra những khiếm khuyết, hạn chế, thiếu hụt trong cơ chế, cơ cấu và nội lực của nền kinh tế, bất cân bằng, thiếu bền vững trong phát triển. Cuộc khủng hoảng, suy thoái tài chính, kinh tế thế giới đang diễn ra cùng giới hạn của nội lực đã kiềm chế tốc độ phát triển đất nước. Trong hoàn cảnh đó, hàng loạt những quyết sách được đưa ra không chỉ có tính chất của giải pháp tình thế mà mang ý nghĩa định hướng tổng thể, lâu dài: Phát triển nhanh và bền vững, thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc doanh nghiệp, ngân hàng, kiềm chế lạm phát, mở rộng thị trường, vạch đường hướng, tiêu chí xây dựng nông thôn mới, cải cách toàn diện y tế, giáo dục, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, kết hợp kinh tế-xã hội với quốc phòng-an ninh… Bởi vậy, chúng ta phải chấp nhận giảm tốc độ tăng trưởng. Đây là quá trình tích tụ, dồn nén năng lượng, loại bỏ sự đầu tư dàn trải để tạo đà tăng tốc ở giai đoạn sau.
Phát triển nhanh và bền vững là định hướng có tính thời đại. Đương nhiên đây không phải là cuộc đua tốc độ mà mang ý nghĩa của cuộc đua vượt khó trong giai đoạn trước mắt, về lâu dài là hướng tới chất lượng tăng trưởng, chất lượng sống.
Trong xây dựng, phát triển đất nước không có thần tốc nhưng đã từng có sự thần kỳ như thế giới đã nói tới trường hợp của Nhật Bản sau thảm họa Đại chiến thế giới lần thứ hai. Loài người và chúng ta đã nhiều lần bày tỏ sự khâm phục trước sự dũng cảm, tự tin vượt qua các thảm họa của đất nước Nhật Bản, nhưng có điều Nhật Bản hay Đức, I-ta-li-a, những nước bại trận trong Đại chiến, đều là những quốc gia đã công nghiệp hóa trước đó. Đất nước bị tàn phá nặng nề song nhiều cơ sở hạ tầng của họ vẫn còn, đặc biệt là tiềm năng, tiềm lực của nguồn nhân lực hình thành qua công nghiệp hóa. Nhìn vào đó để thấy rõ hơn điểm xuất phát thấp của chúng ta, một đất nước nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu lại trải qua gần một thế kỷ bị nô dịch, mất nước.
Tự tin, quyết thắng trong chiến tranh và hòa bình, với đường lối đúng, quyết sách kịp thời, chính xác, chúng ta đã và sẽ làm nên những điều kỳ diệu trong chiến tranh và hòa bình xây dựng, phát triển.
Nguồn : http://www.qdnd.vn
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét