Thứ Hai, 11 tháng 6, 2012
Cơn ác mộng từ 'Các mụ phù thủy bay đêm' của Stalin
Họ đã xuất kích trong sương mù, trong giông tố, với động cơ trả thù nhà và làm bẽ mặt… cánh đàn ông khinh thường phụ nữ.
Phụ nữ lái máy bay chiến đấu? Sau một thời gian do dự ban đầu, Đại nguyên soái Joseph Stalin đã chấp thuận thành lập Trung đoàn máy bay ném bom 588 gồm toàn nữ phi công.
Năm 1941, quân đội Đức bội ước tấn công Liên Xô và cuối năm 1941, chồng của Antonina Bondareva đã hy sinh ở ngoại ô Moscow. Người mẹ của đứa con gái 3 tuổi này đã thề “đền nợ nước, trả thù nhà” và quyết định chiến đấu chống quân phát xít Đức đến cùng… bằng máy bay ném bom như người chồng quá cố.
“Nữ át chủ bài” của không quân Liên Xô: Các nữ phi công Lilia Litvak, Katja Budanova và Maria Kuznetsova (trái sang phải) của Trung đoàn máy bay chiến đấu 586 đang lên kế hoạch tấn công các mục tiêu tiếp theo. Trung đoàn 586 đã phá hủy tổng cộng 17 cây cầu lớn, 9 đoàn xe lửa, 26 kho vũ khí và nhiên liệu, 176 xe tải và 86 ụ súng của quân xâm lược Đức. Ảnh Spiegel.de
Trong Chiến tranh thế giới thứ 2, hàng triệu phụ nữ Liên Xô đã noi theo Antonina Bondareva ra tiền tuyến chống quân xâm lược. Họ không chỉ làm công việc y tá, tải đạn mà còn lái xe tăng, làm lính dù, xạ thủ bắn tỉa và phi công lái máy bay chiến đấu.
Người phụ nữ thuyết phục được Tổng tư lệnh Stalin
Liên Xô là nước đầu tiên cho phép phụ nữ lái máy bay chiến đấu trong Chiến tranh thế giới thứ 2. Hồi đó, Hồng quân Liên Xô có 3 trung đoàn máy bay chiến đấu do các nữ quân nhân hoàn toàn đảm nhiệm, trong đó nổi tiếng nhất là Trung đoàn máy bay ném bom ban đêm 588 được mệnh danh “Những cánh chim ưng của Stalin”. Máy bay của trung đoàn này thường hoạt động ban đêm: đột ngột xuất hiện và trút bom chính xác xuống đầu quân thù.
Marina Raskova và đội bay được phong danh hiệu "Anh hùng Liên Xô". Ảnh Spiegel.de
Việc thuyết phục Nguyên soái Tổng tư lệnh Josef Stalin về việc để cho phụ nữ lái máy bay chiến đấu quả là không mấy dễ dàng. Nhưng Marina Raskova vẫn không chịu bỏ cuộc. Hồi tháng 9/1938, Marina Raskova đã cùng với 2 phi công nữ đã lập kỷ lục thế giới về bay đường dài (6.000 km). Khi máy bay hết nhiên liệu, Marina Raskova và đội bay đã phải nhảy dù xuống cánh rừng bạt ngàn ở Siberia. Mười ngày ròng rã, họ đã vượt qua những cánh rừng taiga không một bóng người. Với kỳ tích nói trên, Marina Raskova và đội bay đã được phong danh hiệu “Anh hùng Liên Xô”. Họ là những người phụ nữ Liên Xô đầu tiên được trao tặng danh hiệu cao quí này.
Chim ưng vồ mồi
Khi quân đội Đức tiến gần đến thủ đô Moscow, Tổng tư lệnh Stalin đã huy động nữ giới tham gia “Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại”. Với sắc lệnh mang số 0099, Đại nguyên soái Stalin đã giao nhiệm vụ cho Marina Raskova thành lập 3 trung đoàn không quân gồm toàn nữ quân nhân. Đó là Trung đoàn máy bay tiêm kích 586, Trung đoàn máy bay ném bom 587 và nổi tiếng nhất là Trung đoàn máy bay ném bom ban đêm 588 (sau này đổi tên là Trung đoàn cận vệ 46).
Các nữ phi công của Trung đoàn 588 từng reo rắc kinh hoàng cho quân đội Đức (từ trái sang phải): Gascheva, Natalia Meklin, Marina Chechenieva, Nadezhda Popova, Sima Amosova, Dina Nikulina, Yevdikia Bireshanska, Maria Smirnova và Shigulenko Yevgenia. Ảnh Spiegel.de
"Các mụ phù thủy bay đêm" là cái tên mà quân Đức vừa sợ, vừa ghét gán cho Trung đoàn máy bay ném bom ban đêm 588. Trong quân đội Liên Xô thời đó, Trung đoàn không quân 588 được vinh dự mang tên “Những cánh chim ưng của Stalin”. Trung đoàn này có 30 máy bay hai tầng cánh Po-2 vốn được thiết kế để phục vụ cho nông nghiệp. Loại máy bay bà già này có tốc độ 150 km/giờ và dễ dàng làm mồi cho pháo phòng không của quân Đức. Do tiếng động cơ ầm ĩ của nó, quân Đức còn gọi những chiếc Po-2 là “những cái máy khâu”.
Máy bay hai tầng cánh Po-2 của “Các mụ phù thủy bay đêm” vốn được thiết kế để phun thuốc trừ sâu và bị quân Đức chế riễu là “những chiếc máy khâu”. Ảnh Spiegel.de.
Thế nhưng tốc độ chậm cũng lại là lợi thế của loại máy bay “phun thuốc trừ sâu” này. Nó khiến cho các máy bay tiêm kích Đức vốn có tốc độ cao gấp bội bị hụt hẫng bởi những pha “cua” gấp cực kỳ ngoạn mục. Không những thế, loại máy bay Po-2 thường xuất kích vào ban đêm. Khi đến gần mục tiêu, những chiếc Po-2 thường tắt máy, lặng lẽ bay lượn trên không trung, thả bom xuống các mục tiêu… rồi bật máy, tăng tốc bay về căn cứ. Khi quân Đức nghe thấy tiếng “máy khâu”, thì cái chết dành cho chúng “đã được an bài”.
Ngay trong lần xuất kích đầu tiên đêm 8/6/1942, Trung đoàn máy bay ném bom ban đêm 588 đã xóa sổ sở chỉ huy của một sư đoàn bộ binh Đức.
Trung đoàn máy bay ném bom 588 đã nhiều lần khiến quân Đức “mất ăn, mất ngủ”. Không mang dù, không có điện đài và phải bay trong buồng lái không có khung kính che kín, nhưng “Những cánh chim ưng của Stalin” vẫn thực hiện tới 18 phi vụ mỗi đêm. Họ đã xuất kích trong sương mù, trong giông tố, với động cơ trả thù nhà và làm bẽ mặt… cánh đàn ông khinh thường phụ nữ.
Những quả bom cuối cùng mà “Các mụ phù thủy bay đêm” ném xuống vào mùa Xuân 1945 là nhằm vào các thành phố Gdansk, Szczecin, Koszalin và Swinoujscie. Sau ba năm rưỡi tham gia trận mạc với 23. 672 phi vụ và ném hơn 100.000 quả bom, Trung đoàn máy bay ném bom 588 đã giải thể hồi tháng 11 năm 1945, sáu tháng sau khi quân Đức đầu hàng. Hơn 50 nữ phi công của trung đoàn đã không thể hưởng niềm vui chiến thắng, khi những chiếc “máy khâu” của họ bị quân Đức bắn hạ.
Thủ tướng Putin và cựu chiến binh “Anh hùng Liên Xô” Nadezhda Popova trong ngày 8/5/2006 tại điện Kremlin. Trong số 29 phụ nữ đã được trao tặng danh hiệu này hồi Chiến tranh thế giới thứ hai, có 23 người là thành viên Trung đoàn máy bay ném bom ban đêm 588. Ảnh Spiegel.de
Hòa bình trở lại, “Những cánh chim ưng của Stalin” từng lập nên những chiến công vang dội đã trở về với đời thường. Vai trò của các nữ phi công dũng cảm không còn được đề cao như thời chiến tranh, mặc dù đã có 23 “cánh chim ưng của Stalin” được trao tặng danh hiệu “Anh hùng Liên Xô” và Trung đoàn máy bay ném 588 được đổi tên thành Trung đoàn cận vệ số 46 lừng danh nhất trong lực lượng không quân Liên Xô.
MINH BÍCH (ĐẤT VIỆT ONLINE)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét