Không chỉ vì to, độc, lạ, nhiều tuyệt tác công nghệ hàng không Xô Viết còn phải “ra đi tức tưởi” do biến cố chính trị ở Liên Xô đầu những năm 1990.
Liên Xô từng đi trước Mỹ nhiều năm trong cố gắng sản xuất tiêm kích siêu âm cất cánh ngắn/hạ cánh thẳng đứng. Nếu như ngày nay, các chuyên gia quân sự Mỹ đang cố gắng hoàn thiện F-35B thì các đồng nghiệp Liên Xô đã mày mò công việc này với tiêm kích Yak-141 từ trước những năm 1990. Đáng tiếc, tuyệt tác hàng không này đã “chết yểu” cùng sự tan rã của Liên bang.
Tiêm kích cất cánh như trực thăng
Từ những năm 1980, Cục thiết kế Yakovlev bắt đầu khởi động dự án phát triển tiêm kích siêu âm cất hạ cánh thẳng đứng (VTOL) để thay thế cho các tiêm kích cận âm VTOL Yak-38 trên các tàu sân bay của Hải quân Liên Xô.
Có thể nói, việc phát triển Yak-141 là thử thách cực kỳ khó khăn, vì các dòng máy bay VTOL thiết kế rất phức tạp, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nhưng nó đem lại khả năng tương đương trực thăng, chỉ cần diện tích vừa đủ là có thể cất cánh không cần đường băng.
Yak-141 chế tạo với 26% Titan để đảm bảo chịu sức nóng động cơ tỏa ra khi hạ cánh, còn lại là vật liệu tổng hợp. Máy bay lắp 2 động cơ phản lực phụ RKBM RD-41 ở dưới thân máy bay. Động cơ chính MNPK Soyuz R-79V-300 đặt ở giữa 2 đuôi máy bay. Để cất cánh, vòi phun động cơ R-79V-300 sẽ xoay tạo góc 90 độ với mặt đất, cùng với 2 động cơ nâng đưa máy bay cất cánh. Khi đạt độ cao ổn định, động cơ chính sẽ xoay trở lại theo hướng ngang và đưa máy bay tiến về phía trước.
Theo thiết kế, Yak-141 có khả năng đạt vận tốc siêu thanh Mach 1,7. Nếu làm được điều này, Yak-141 sẽ trở thành mẫu tiêm kích VTOL siêu thanh đầu tiên trên thế giới.
Tiêm kích siêu âm cất hạ cánh thẳng đứng Yak-141.
Năm 1987, Yak-141 cất cánh lần đầu thành công theo phương pháp truyền thống (cất hạ cánh trên đường băng). Những năm tiếp theo, Yak-141 nhiều lần thực hiện thành công cất hạ cánh ngắn/thẳng đứng, hạ cánh thẳng đứng.
Dù vậy, nó không tránh khỏi tai nạn, ngày 26/9/1991, mẫu thử Yak-141 48-2 gặp nạn khi hạ cánh, rất may phi công thoát hiểm an toàn, chiếc máy bay chỉ bị hư hỏng nhẹ và được khôi phục lại sau đó.
Thật không may, Yak-141 được phát triển và thử nghiệm đúng vào những năm tháng cuối cùng nhà nước Liên Xô. Không lâu sau chuyến bay thử, Hải quân Liên Xô đã ngừng cấp kinh phí chương trình Yak-141.
“Giá như” nó ra đời từ những năm 1970 thì có lẽ Yak-141 đã có số phận tốt đẹp hơn. Yak-141 cũng là tiêm kích VTOL cuối cùng của Liên Xô và trên thế giới, sau này không còn bất kỳ nhà thiết kế nào phát triển VTOL này.
Cùng với Yak, 2 thiết kế chiến đấu cơ thế hệ thứ năm đến từ Sukhoi và MiG cũng chịu chung số phận.
2 mẫu thử nghiệm tiêm kích thế hệ 5 đầu tiên “cùng sống và chết”
Đầu những năm 1980, khi Mỹ bắt đầu triển khai dự án máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, cũng là lúc Liên Xô khởi động dự án cạnh tranh với sự tham gia từ phòng thiết kế Sukhoi – MiG.
Trong đó, Sukhoi đã đưa ra thiết kế -47 Berkut, máy bay mượn phần thân trước, cánh dọc và bộ bánh đáp từ Su-27. Máy bay tích hợp các đặc tính giảm khả năng phản xạ tín hiệu radar.
Đặc biệt, Su-47 thiết kế cặp cánh nghiêng phía trước không theo qui ước – đây là điểm làm nên sự độc đáo luôn thu hút người xem mỗi khi nó xuất hiện. Su-47. Kiểu cánh nghiêng này so với cánh truyền thống giúp Su-47 có khả năng thao diễn cao trong khi vẫn giữ được sự ổn định máy bay. Máy bay thiết kế cặp cánh mũi tăng cơ động.
Su-47 Berkut trang bị 2 động cơ tuốc bin Lyulka AL-37FU cho phép đạt tốc độ Mach 2,1. Máy bay thiết kế với khoang vũ khí bên trong – điểm thường xuất hiện trên tiêm kích thế hệ thứ 5. Theo thiết kế, máy bay mang được hầu hết các loại vũ khí đối không, đối đất, đối hải của Nga với khoang vũ khí trong thân hoặc treo bên ngoài.
Mẫu thử tiêm kích thế hệ thứ 5 Su-47 (trái) và MiG 1.44 (phải).
Về phía MiG, họ đưa ra thiết kế tiêm kích thế hệ thứ 5 MiG 1.44 thiết kế với kiểu cánh tam giác truyền thống, cặp cánh mũi nhỏ, hai cánh đuôi, 2 cửa hút khí làm mát động cơ nằm dưới thân.
MiG 1.44 ứng dụng công nghệ thường thấy máy bay thế hệ 5: động cơ có chỉnh hướng phụt, hệ thống điều khiển fly-by-wire, radar quét mạng pha điện tử bị động. Theo một số nguồn tin, MiG 1.44 cũng được ứng dụng thử nghiệm công nghệ tàng hình Plasma.
Cuối những năm 1980, hai nguyên mẫu Su-47 và MiG 1.44 lần lượt hoàn thành. Tuy vậy, năm 1991 Liên bang Xô Viết sụp đổ, nước Nga lâm vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Trước tình hình đó, nhiều dự án quốc phòng cắt giảm ngân sách, Su-47 và MiG 1.44 cũng vậy. Nhưng, không giống như Yak đành chịu xếp xó “tâm huyết Yak-141”, phòng thiết kế Su-MiG tự duy trì dự án bằng nguồn tài chính riêng.
Và tới tháng 9/1997 mẫu thử Su-47 cất cánh thành công. Ba năm sau, mẫu thử MiG 1.44 cũng lần đầu tung cánh. Qua được cửa thiếu tiền, tưởng như hai mẫu Su-47 - MiG 1.44 sẽ có tương lai rộng mở hơn, nhưng cuối cùng nó không vượt qua được cửa tướng lĩnh lãnh đạo Quân đội Nga, họ đã lưa chọn chương trình khác của Sukhoi là PAK FA T-50.
Ngày nay, hai mẫu Su-47 và MiG 1.44 chỉ còn được dùng làm công tác thử nghiệm, phát triển công nghệ mới. Dẫu sao, số phận của nó chưa đến độ thê thảm bán sắt vụn hay bào mòn trong bảo tàng…
Ngoài những mẫu siêu tiêm kích, nạn nhân của sự sụp đổ liên bang còn có “niềm tự hào công nghệ hàng không vũ trụ Liên Xô” – tàu con thoi Buran. Số phận của Buran sau khi bị loại bỏ còn thê thảm hơn nhiều.
Nỗi buồn của “bão tuyết”
Chương trình tàu vũ trụ sử dụng nhiều lần Buran (Bão tuyết) được khởi động năm 1976 làm đối trọng với dự án tàu con thoi của Mỹ. Tàu con thoi Buran tuy có hình dáng khá giống tàu Mỹ làm người ta lầm tưởng cho rằng đây là sản phẩm sao chép nhưng thực tế không phải, Buran có tính năng vượt trội.
Buran thiết kế cho chuyến bay có người lái và không người lái, nó có thể hạ cánh tự động. Khả năng tải hàng từ trái đất lên quỹ đạo và ngược lại cũng vượt trội hơn so với tàu Mỹ.
Tàu con thoi "không người lái" Buran.
Ngày 15/11/1988, Buran được phóng lên quỹ đạo và thực hiện chuyến bay không người lái trong 206 phút trước khi hạ cánh an toàn ở Baikonur. Đây là sự mở đầu tuyệt với với giải pháp kinh tế Buran để thay thế tàu Soyuz dùng một lần. Nhưng sau khi Liên Xô giải thể, nước Nga rơi vào khủng hoảng.
Năm 1993, chính quyền Nga ra quyết định hủy bỏ dự án do kinh phí phát triển quá lớn. Số phận các mẫu thử Buran sau khi dừng dự án cũng không được yên, năm 2002, chiếc Buran được phóng lên quỹ đạo bị phá hủy nặng nề do nhà chứa bị sập.
Mẫu thứ hai nằm tại nhà máy chế tạo và ở trong tình trạng rất kém, theo một số nguồn tin nhiều bộ phận tàu đã bị rao bán trên mạng. Một vài chiếc khác được làm nơi thử nghiệm, huấn luyện đội bay hoặc tháo dỡ.
Theo Đất Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét