"Tàu ngầm hạt nhân tối tân nhất của Trung Quốc không thể liên lạc với trung tâm khi lặn, chỉ hoạt động luẩn quẩn gần bờ, dễ bị tổn thương và chỉ để "giữ thể diện".
Đó là nhận định của chuyên gia Robert Karniol trong một bài phân tích có tiêu đề "Vấn đề gai góc phế bỏ tàu ngầm chiến lược của Trung Quốc", được đăng tải trên tờ The Straits Times của Singapore.
Dưới đây là nội dung chính của bài viết:
Việc Trung Quốc đang đổ những khoản tiền lớn và nỗ lực đáng kể vào một chương trình tàu ngầm chiến lược bởi đây là công cụ răn đe cực kỳ hữu ích. Nó là tài sản chiến lược và có vai trò quan trọng: Tạo thế cân bằng dưới đại dương rộng lớn, hầu như không bị phát hiện và được trang bị tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân.
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược (SSBN) mang theo một sức mạnh khủng khiếp để răn đe đối phương và nó được dự phòng cho "cuộc tấn công thứ hai" - tấn công trả đũa - kẻ địch bằng sức mạnh hạt nhân của nó. Tuy nhiên, chất lượng các hạm đội tàu ngầm Trung Quốc không được như lý thuyết.
Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) đã đưa vào phục vụ chiếc tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo lớp Hạ (Xia, còn gọi là Type 092) duy nhất vào năm 1981. Khi đó, tàu SSBN Type 092 được trang bị với 4 ống phóng tên lửa, và có thể mang được 12 tên lửa đạn đạo tầm trung JuLang-1 (JL-1).
Nó di chuyển với tốc độ chậm, có độ ồn lớn khi hoạt động, không đáng tin cậy và rất dễ bị tổn thương. Tên lửa JL-1 có tầm bắn giới hạn và chất lượng có vấn đề.
Thêm vào đó, trong bất kỳ trường hợp nào, một tàu ngầm là không đủ để tạo ra khả năng hiệu quả trong cuộc tấn công trả đũa. Nhiệm vụ này cần ít nhất là 3 tàu ngầm nữa.
Tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo Type 092 của Trung Quốc.
Chính vì vậy, Trung Quốc giải quyết vấn đề này bằng việc đưa ra dự án chế tạo tàu ngầm và tên lửa mới là SSBN lớp Tấn (Type 094) và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) JL-2.
Đến nay, đã có hai tàu Type 094 được bàn giao cho Hải quân của họ và ít nhất 2 tàu nữa được đóng và trang bị 12 ống phóng tên lửa. Trong khi đó, SLBM JL-2 đã bị trì hoãn trong thời gian dài và chưa thể hoạt động ở thời điểm đó.
Vấn đề hóc búa của lãnh đạo Trung Quốc
Bắc Kinh đang phải đối mặt với ít nhất hai vấn đề quan trọng trong việc chuyển đổi các tàu ngầm này để có được một khả năng tấn công đáp trả. Vấn đề đầu tiên là kỹ thuật, vấn đề thứ hai, nghiêm trọng hơn, liên quan tới chính trị.
Về kỹ thuật, trong một báo cáo mới đây của Lầu Năm Góc cho biết, hai năm trước (năm 2010), "PLAN chỉ có năng lực giới hạn để giao tiếp với các tàu ngầm trên biển, và họ không có kinh nghiệm trong việc quản lý một hạm đội SSBN trong thực hiện tuần tra chiến lược và kích hoạt đầu đạn hạt nhân của tên lửa".
Nói một cách đơn giản, tàu ngầm của Trung Quốc không thể thông tin với trung tâm chỉ huy khi nó lặn ở dưới biển. Để thông tin liên lạc, nó cần phải nổi lên hoặc nhả một cái phao liên lạc trung gian, cả 2 cách này đều làm cho tàu ngầm Trung Quốc dễ bị phát hiện và tấn công.
Tàu ngầm Type 094 phóng tên lửa JL-2.
Một nguồn tin trong PLAN nói rằng, việc giải quyết vấn đề này rất phức tạp, nhưng nhất định họ sẽ khắc phục được. Cho nên đến lúc giải quyết xong vấn đề, PLAN không thể đào tạo hiệu quả trong việc quản lý SSBN tuần tra chiến lược.
Nguồn tin này cũng cho biết xuất hiện một vấn đề khác.
Nếu lực lượng hạt nhân mặt đất của Trung Quốc quy định các đầu đạn và tên lửa được lưu giữ riêng biệt, chịu sự kiểm soát chặt chẽ của nhiều tầng lớp lãnh đạo từ Quân ủy Trung ương tới lực lượng Pháo binh số 2, đơn vị cuối cùng chịu trách nhiệm phóng tên lửa thì Hải quân Trung Quốc yêu cầu SSBN phải mang theo cả đầu đạn và tên lửa khi tuần tra. Dù vậy, quyền ra lệnh với các tên lửa hạt nhân nằm trong tay các quan chức hải quân không bao giờ được Bộ chính trị của Bắc Kinh cho phép.
"Nó sẽ yêu cầu một thay đổi lớn trong chính sách hạt nhân của Bắc Kinh để triển khai một khẳ năng tấn công hạt nhân thứ hai trên biển, ông Hans Kristensen, Giám đốc dự án thông tin hạt nhân của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS) nói.
"Họ cũng phải giải quyết vấn đề phức tạp làm thế nào để duy trì lệnh và kiểm soát tin cậy hơn cho một tàu ngầm hạt nhân ở trên biển", ông Kristensen nói.
Tuy nhiên, nếu một cuộc khủng hoảng quân sự xảy ra, ngay cả khi lãnh đạo Trung Quốc ra lệnh triển khai tàu ngầm hạt nhân và phóng SLBM thì vấn đề gai góc ở đây, họ sẽ làm thế nào để phản ứng trong cuộc khủng hoảng nếu một SSBN mất tích, hoặc không thể liên lạc được.
"Họ sẽ giả định tàu ngầm đã bị đánh chìm và cho rằng họ (Trung Quốc) bị tấn công, và xem xét sử dụng vũ khí hạt nhân?", ông Kristensen bình luận.
Tàu ngầm hạt nhân Type 094 tối tân nhất của Trung Quốc chỉ có thể hoạt động gần bờ.
Tầm bắn của tên lửa JL-2 khoảng 7.400 km, nó không thể bay tới lục địa của Hoa Kỳ từ bờ biển của Trung Quốc.
Điều này có nghĩa là tàu ngầm sẽ phải ra Thái Bình Dương và nó sẽ phải vượt qua nhiều tầng chiến hạm (các loại) của Hải quân Mỹ, đó là một nhiệm vụ không hề dễ dàng. Bắc Kinh chỉ còn cách tấn công tên lửa vào các mục tiêu là căn cứ của Mỹ tại Nhật Bản và Guam, hoặc cũng có thể là Ấn Độ và Nga.
Với những nhận xét này, các SSBN mới có thể làm cho Trung Quốc thấy "mơ hồ" về chiến lược không rõ ràng. Do đó, ông Kristensen gọi đó là "Dự án thể diện" của Trung Quốc.
"Nếu bị vô hiệu hóa SSBN, khi đó Trung Quốc sẽ tập trung vào khả năng trả đũa hạt nhân của mình (dựa trên những bệ phóng di động) ở trên đất liền mà có thể ẩn náu sâu bên trong vùng lãnh thổ rộng lớn của họ, nhà phân tích FAS nói.
Tất cả những điều này đặt ra nhiều nghi ngờ, không chỉ với SSBN lớp Tấn và JL-2 mà còn có thể là SSBN thế hệ tiếp theo của Trung Quốc Type 096 đang trong giai đoạn phát triển.
(ĐVO)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét