Cảng Cam Ranh của Việt Nam được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đánh giá có tầm quan trọng chiến lược trong kế hoạch dịch chuyển Hải quân Mỹ về châu Á - Thái Bình Dương.
Trong bài phát biểu vào hôm 3/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cho biết, cảng hải quân Cam Ranh có thể đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược dịch chuyển hải quân về khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Quân đội Mỹ.
Ông Panetta là người đứng đầu Lầu Năm Góc đầu tiên tới thăm vịnh Cam Ranh từ sau chiến tranh Việt Nam, chuyến đi mang tính xã giao này phản ánh những nỗ lực của Washington nhằm làm sâu sắc mối quan hệ với Việt Nam trong bối cảnh tình hình Biển Đông căng thẳng hiện nay.
"Quyền ra vào căn cứ Cam Ranh của tàu Hải quân Mỹ là chìa khóa quan trọng của mối quan hệ này và chúng tôi nhận thấy tiềm năng to lớn ở đây (cảng Cam Ranh)", ông Panetta nói với các phóng viên trên boong tàu USNS Richard E. Byrd, tàu chở hàng của Hải quân Mỹ đang leo đậu để bảo dưỡng tại cảng.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta phát biểu về vai trò chiến lược của cảng Cam Ranh trên boong tàu USNS Richard E. Byrd. Ảnh Reuters
Với kế hoạch mới, dịch chuyển phần lớn các hạm đội Hải quân Mỹ đến Thái Bình Dương tới năm 2020, dự kiến lên tới 60%, ông Panetta đã mô tả vùng cảng nước sâu Cam Ranh đóng "vai trò chiến lược quan trọng".
"Làm việc với đối tác Việt Nam là rất quan trọng, để có thể sử dụng bến cảng này, khi tàu của chúng tôi di chuyển từ các cảng trên bờ biển phía Tây, tới các trạm ở Thái Bình Dương," ông nói.
Vịnh Cam Ranh là một trong những hải cảng tự nhiên tốt nhất trong khu vực và Mỹ nhận thấy đây chính là một nơi lý tưởng để củng cố cho sự hiện diện hải quân của mình trong tranh chấp Biển Đông.
>> Việt - Mỹ trong bối cảnh biển Đông căng thẳng
>> Mỹ kêu gọi xây dựng 'đối tác tin cậy' với Việt Nam
>> Việt - Mỹ tiến hành đối thoại chính sách quốc phòng
Theo các nhà phân tích Mỹ, gần đây, Việt Nam cho phép hải quân nước ngoài vào vịnh Cam Ranh để bảo dưỡng và sửa chữa. Nhưng số lượng những lần ghé thăm mỗi năm bị hạn chế, và các quan chức cấp cao của Quân đội Mỹ muốn mở rộng khả năng được ra vào hải cảng, gồm các chiến hạm.
Chuyến đi của ông Panetta tới cảng Cam Ranh phản ánh bước chuyển đổi lớn trong quan hệ của Mỹ với Việt Nam cũng như sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, trong đó Biển Đông là trung tâm của cuộc cạnh tranh này.
Năm 2011, Việt Nam và Mỹ cũng đã ký một bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng (>> xem thêm), và trong chuyến thăm lần này, ông Panetta sẽ gặp gỡ với các quan chức cấp cao Việt Nam, gồm Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh trong chuyến thăm 2 ngày tại Hà Nội.
"Chúng tôi đã đi một chặng đường dài, nhất là về mối quan hệ quốc phòng của chúng tôi", dưới ánh nắng rực trên boong tàu ông Panetta cho biết thêm, giờ đây, ông mong muốn "mối quan hệ này sẽ tiến thêm một bước".
Trong chuyến công du 9 ngày tới châu Á, ông Panetta cũng cho biết Hoa Kỳ muốn làm việc với Việt Nam về vấn đề hàng hải, bao gồm cả một bộ luật ứng xử cho tất cả các quốc gia sử dụng Biển Đông, và về cải thiện “tự do lưu thông trên đại dương" của Mỹ.
Vịnh Cam Ranh là một trong ba trung tâm chính từng được quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh. Việt Nam sau đó đã cho Liên Xô thuê sử dụng trong thời Chiến tranh Lạnh, nhưng quân đội Nga đã rời khỏi căn cứ này vào năm 2002.
Trong thời gian cao điểm của cuộc chiến tranh Việt Nam, Vịnh Cam Ranh đã từng là căn cứ neo đậu với số lượng lớn các tàu hải quân Mỹ. Phát biểu tại Cam Ranh, ông Panetta đã nói về "vòng cung của lịch sử" cuộc chiến tranh ác liệt đã được mở ra một kỷ nguyên mới giữa hai nước.
"Đối với cá nhân tôi, đây là một khoảnh khắc rất xúc động," ông Panetta nói.
Người đứng đầu Lầu Năm Góc nói "rất nhiều máu của cả 2 bên đã đổ xuống", nhưng ông hy vọng rằng, hai bên sẽ "vượt qua sự mất mát đó".
"Chúng ta có thể xây dựng một mối quan hệ đối tác chặt chẽ giữa hai nước trong tương lai", ông nói.
(ĐVO)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét