Các cán bộ Viện kỹ thuật cơ giới quân sự (Tổng cục Kỹ thuật) đã nghiên cứu, nâng cấp cải tiến thành công xe thiết giáp chở quân BTR-152.
Công trình “Nghiên cứu nâng cao khả năng cơ động của xe thiết giáp chở quân BTR-152 đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới” thu hút được đông đảo đại biểu quan tâm, tìm hiểu. Đây là một trong 8 công trình được trao giải nhất và có giá trị thực tiễn rất cao tại lễ trao giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong quân đội năm 2011 vừa được tổ chức.
“Xe thiết giáp chở quân BTR-152 do Liên Xô trước đây sản xuất, hiện được trang bị cho một số đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và nhiệm vụ A2 (phòng chống bạo loạn lật đổ và các tình huống đặc biệt). Qua thời gian dài sử dụng, hiện nay tình trạng kỹ thuật của xe phần nào đã xuống cấp, mất đồng bộ, ảnh hưởng đến chất lượng hoàn thành nhiệm vụ. Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, cần thiết phải nghiên cứu nâng cao khả năng cơ động cũng như độ tin cậy hoạt động của xe. Đó là lý do tôi thực hiện công trình nghiên cứu này” - Đại úy Nguyễn Huy Trưởng, Phòng Tăng - Thiết giáp, Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự (Tổng cục Kỹ thuật) - Chủ nhiệm đề tài cho biết.
BTR-152 là một trong những loại xe thiết giáp chở quân, đồng thời có khả năng tham gia tác chiến ngay trong quá trình hành quân. Xe được quân đội ta sử dụng rất hiệu quả trong thời gian trước đây.
Tuy nhiên, so với yêu cầu nhiệm vụ hiện nay thì xe đã có phần lạc hậu. Độ tin cậy làm việc thấp, hệ số kỹ thuật không cao. Động cơ của xe là động cơ thế hệ cũ có công suất nhỏ, vỏ thép nặng, khiến công suất riêng của xe không cao. Hơn nữa, hệ thống lái cơ khí của xe không có trợ lực nên bộ đội điều khiển rất khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng cơ động.
Xe thiết giáp BTR-152 chạy thử nghiệm sau khi cải tiến, nâng cấp.
Ngoài ra, khi vận hành, xe BTR-152 tiêu hao nhiên liệu lớn, khả năng bảo vệ kíp xe và bộ binh trên xe từ phía trên hạn chế vì xe không có mui thép. Xe cũng không có đầy đủ các thiết bị đèn báo xin đường, gương chiếu hậu… nên rất khó khăn trong di chuyển…
Sau một thời gian nghiên cứu, tác giả đã lựa chọn phương án thay thế động cơ Zil-123B và hộp số cũ của xe bằng động cơ và hộp số mới; cải tiến hệ thống lái từ cơ khí đơn thuần không có trợ lực thành hệ thống lái có trợ lực thủy lực; nâng cấp hệ thống treo, hệ thống khí nén, hệ thống điện giúp tăng cường khả năng chịu tải, tính ổn định khi làm việc của xe.
Ngoài ra, xe còn thiết kế lắp mới mui thép, cần gạt mưa và một số thiết bị đèn chiếu sáng, kính quan sát phía sau giúp tăng cường khả năng bảo vệ, thuận tiện trong chiến đấu và di chuyển trên các loại địa hình khác nhau.
Xe BTR-152 sau cải tiến đã được vận hành thử nghiệm tại một số đơn vị. Kết quả thử nghiệm cho thấy nhìn chung xe có nhiều tính năng ưu việt hơn hẳn xe nguyên thủy.
Điển hình như công suất cao hơn 9,1%; tốc độ cao hơn 5,6%; vận hành ổn định, tin cậy... Đặc biệt, lượng tiêu thụ nhiên liệu giảm hẳn (lượng tiêu hao nhiện liệu thực tế từ 60 đến 70 lít xăng/100km giảm xuống khoảng gần 30 lít dầu điezel/100km, tiết kiệm hàng trăm ngàn đồng trên mỗi 100km vận hành). Ngoài ra, xe sau cải tiến có hình thức đẹp, vận hành thuận tiện, rất phù hợp với điều kiện sử dụng tại đơn vị.
“Xe BTR-152 sau cải tiến như được “trẻ” lại. Kết quả đề tài đã mở ra khả năng nâng cấp, cải tiến cho toàn bộ xe BTR-152 đang được trang bị trong quân đội, giúp tăng hạn sử dụng, giảm chi phí nhập khẩu, góp phần nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội," Đại úy Nguyễn Huy Trưởng chia sẻ.
(ĐVO)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét