Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2012

Những đòn đau giáng vào nỗ lực chống tham nhũng ở VN



“Không ngạc nhiên khi các doanh nghiệp châu Âu và các doanh nghiệp nước ngoài ngày càng nản lòng và mệt mỏi đối với nạn tham nhũng hiện vẫn đang lan tràn, len lỏi và tiếp tục có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh tại Việt Nam”.

Bê bối ở Vinashin, Vinalines chưa được giải quyết triệt để thì công cuộc chống tham nhũng lại bị bồi thêm một cú giáng mạnh khi Đan Mạch tuyên bố hủy tài trợ vì nghi ngờ “gian lận”


Ngày 31/5, nhiều báo thông tin Bộ Phát triển Đan Mạch thông báo ngừng ba dự án viện trợ cho Việt Nam, do nghi ngờ có gian lận.

Những dự án trong diện nghi vấn trên đều có liên quan tới hoạt động nghiên cứu về biến đổi khí hậu do Cơ quan Hỗ trợ phát triển quốc tế Đan Mạch (Danida) tài trợ với ước tính lượng vốn bị sử dụng sai mục đích khoảng 3,3 triệu Kroner (550.000 USD).

Cùng với quyết định ngừng 3 dự án, chính phủ Đan Mạch cũng sẽ xem xét kỹ hơn các dự án khác có sử dụng nguồn tài trợ từ Danida.

Thông tin trên, cùng vụ bê bối tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đang gây xôn xao dư luận là những cú giáng mạnh vào nỗ lực chống tham nhũng, hối lộ mà chính phủ Việt Nam đang gấp rút triển khai.

Thực trạng đáng báo động

Theo báo cáo kiến nghị của cử tri cả nước do ông Huỳnh Đảm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII (ngày 21/5), số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý trong thời gian qua vẫn chưa phản ánh đúng tình hình tham nhũng thực tại.

Bên cạnh đó, việc xử lý các vụ án tham nhũng cũng chưa thỏa đáng, phần lớn các vụ việc được xử lý theo hướng thu hẹp, việc bồi thường thất thoát do tham nhũng chưa tương xứng với hậu quả gây ra. Số vụ tham nhũng được hưởng án treo còn nhiều.

Trước đó, kết quả khảo sát Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng năm 2011 do Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố cho thấy, Việt Nam chỉ xếp hạng 112/183 quốc gia được đánh giá, chỉ cải thiện không đáng kể so với xếp hạng 116/178 của năm 2010.

Còn theo báo cáo của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tại Việt Nam, chỉ số môi trường kinh doanh hàng quý (BCI) của nước ta đã giảm từ 70 điểm xuống còn 53 điểm trong năm 2011 và hiện chỉ xoay quanh mức điểm thấp này.

Trong đó, các vấn đề nổi cộm là khó khăn trong tiếp cận tín dụng, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ và các gánh nặng về thủ tục hành chính. Kết quả này cho thấy các nhà đầu tư vẫn tiếp tục lo ngại khi lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư trong ngắn hạn.

Không chỉ gây cản trở với các doanh nghiệp, tham nhũng cũng là lý do chính khiến các chính phủ nước ngoài ngần ngại khi có ý định cung cấp ODA cho Việt Nam vì thấy một phần trong các khoản hỗ trợ này bị chệch hướng và không đến được với các dự án có mục tiêu cải thiện môi trường cạnh tranh. Thực trạng này có thể dễ dàng nhận thấy qua việc chính phủ Đan Mạch hủy 3 dự án tài trợ vừa diễn ra.

Rõ ràng, thực trạng tham nhũng đang khiến Việt Nam mất dần sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, tài trợ quốc tế.

Nhà đầu tư nước ngoài nản lòng

Phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam hôm 29/5, ông Preben Hjortlund, chủ tịch EuroCham nhấn mạnh: “Không ngạc nhiên khi các doanh nghiệp châu Âu và các doanh nghiệp nước ngoài ngày càng nản lòng và mệt mỏi đối với nạn tham nhũng hiện vẫn đang lan tràn, len lỏi và tiếp tục có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh tại Việt Nam”.

Ông Hjortlund cho biết, các doanh nghiệp châu Âu đã kỳ vọng tình trạng trên sẽ được cải thiện đáng kể sau khi Việt Nam phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về phòng chống tham nhũng vào tháng 6/2009. Tuy nhiên, cho đến nay, tình trạng này vẫn diễn ra hết sức nghiêm trọng.

Vị đại diện các doanh nghiệp châu Âu này khẳng định, vấn nạn tham nhũng không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nước ngoài mà còn ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của chính các doanh nghiệp trong nước.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam thì bày tỏ sự lo ngại sâu sắc về tình trạng tham nhũng khi liên tục các vụ án lớn liên quan đến các tập đoàn Nhà nước như Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) được phanh phui.

“Chúng tôi lo ngại khi nghe báo cáo về các vấn đề trong khu vực doanh nghiệp nhà nước. Tình trạng này cũng đang khiến Việt Nam khó khăn hơn trong việc đạt được những mục tiêu lâu dài”, bà Kwakwa cho biết.

Như vậy, hối lộ và tham nhũng đã và đang không chỉ ảnh hưởng đến thể chế dân chủ nhà nước, sự hấp dẫn đầu tư đối với các nhà đầu tư nước ngoài mà còn đang ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, khiến nền kinh tế trì trệ.

Lối đi nào cho Việt Nam?

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam bày tỏ sự lo ngại sâu sắc về tình trạng tham nhũng nghiêm trọng đang diễn ra phổ biến.


Đánh giá thực trạng tham nhũng đang diễn ra ở mức nghiêm trọng, chính phủ đang ngày càng đề cao sự cần thiết và cấp bách của công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Đây còn được coi là một trong những nội dung trọng yếu mà Đảng và Nhà nước quyết tâm thực hiện nhằm cải cách toàn diện đất nước.

Nội dung này đã được quy định rõ ràng trong Nghị quyết trung ương 4 (khóa XI, 2010 - 2015) - “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành từ tháng 1/2012 cũng như nhiều văn bản, chỉ thị khác.

Sự kiên quyết của Đảng và Nhà nước còn được thể hiện thông qua việc Hội nghị trung ương Đảng lần thứ năm, bế mạc sáng 15/5, đã thống nhất chủ trương thành lập Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác này.

Tuy nhiên, cũng cần nói rõ rằng, các vụ việc tham nhũng lớn, gây thất thoát hàng chục nghìn tỷ đồng tiền thuế của nhân dân như vụ việc ở Vinalines, Vinashin,.. đều liên quan đến nhiều đối tượng, diễn ra trong thời gian dài và hết sức phức tạp nên công tác điều tra, xử lý cũng không hề đơn giản.

Hơn thế nữa, theo báo cáo ý kiến cử tri, phần lớn các vụ việc tham nhũng đều được xử lý theo hướng thu hẹp, việc bồi thường thất thoát do tham nhũng chưa tương xứng với hậu quả khiến tính răn đe của các bản án chưa cao nên chưa thể xử lý dứt điểm thực trạng tham nhũng đã diễn ra suốt nhiều năm nay!
Theo DVT

Các bài liên quan




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét