Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2012

Mỹ mang 'kịch bản tồi tệ' dọa Syria

Đặc phái viên Mỹ tại LHQ Susan Rice đưa ra lời cảnh báo nếu tình hình bạo lực ở Syria không có dấu hiệu thuyên giảm.



Phát biểu tại Hội đồng Bảo an ngày hôm qua tại New York, 31/5, bà Susan Rice cho rằng những giải pháp có khả năng hơn cả cho Syria đang vượt ra khỏi khuôn khổ kế hoạch do phái viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc Kofi Annan vạch ra.

“Nếu cả kế hoạch của ông Kofi Annan hoặc biện pháp trừng phạt chống lại Damascus đều không giúp khắc phục khủng hoảng Syria, thì chỉ còn lại “kịch bản tồi tệ nhất”, Đặc phái viên Mỹ tại Liên Hợp Quốc nhấn mạnh.

Theo phân tích Interfax, Nga, tuy không tuyên bố thẳng thừng về sự can thiệp quân sự quy mô lớn của nước ngoài vào công việc Syria, nhưng có thể hiểu thông điệp của bà Susan Rice gửi tới Liên Hợp Quốc là rất rõ ràng.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhấn mạnh, Washington không tin vào thiện chí của Damascus, và rằng “tay của Bashar al-Assad đã thấm máu đến tận khuỷu”.

Trước đó, ngày 30/5, phe nổi dậy Syria đã đưa ra tối hậu thư với Tổng thống Bashar al-Assad, hạn cho ông 48 giờ để thực hiện kế hoạch giải quyết tình hình trong nước.

Kênh truyền hình Arab Al-Arabiya ngày 31/5 dẫn tuyên bố của lãnh đạo lực lượng “Quân đội Syria tự do”, Đại tá Qassim Saadeddine, cho biết: “Hạn chót đến 12 giờ ngày 1/6 (giờ địa phương). Sau đó, chúng tôi sẽ không bị ràng buộc bởi các cam kết với kế hoạch hòa bình nữa và chúng tôi sẽ ra tay bảo vệ thường dân, nhà cửa và thành phố của họ”.

Theo giới phân tích quốc tế, nếu chiến tranh tại Syria nổ ra, quy mô không gói gọn trong quốc gia này mà sẽ lan rộng ra toàn bộ khu vực.

Đặc biệt là trong bối cảnh nhiều nguồn tin tình báo các nước cho biết, một lực lượng lớn quân đội Iran tinh nhuệ đã vượt biên giới, sẵn sàng tham gia hỗ trợ quân Chính phủ Syria trong cuộc đối đầu này.

Syria bên miệng vực chiến tranh?


Trong khi đó, phiên họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 31/5 tiếp tục chứng kiến sự chia rẽ sâu sắc của các nước lớn xung quanh vấn đề Syria.

Ông Vitaly Churkin, đại diện thường trực của Nga tại Liên Hợp Quốc cảnh báo: “Phương thức tốt nhất để tránh kịch bản thảm họa là cố gắng thực hiện kế hoạch Kofi Annan, và ở đây cần phải là nỗ lực chung của tất cả. Trong trường hợp ngược lại, toàn bộ khu vực sẽ đối mặt với hậu quả nghiêm trọng”.

Cùng ngày, người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Dmitry Peskov, cho biết lập trường của Moscow trong vấn đề Syria không thay đổi bất chấp sức ép từ các nước khác.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, trong chuyến thăm Đan Mạch, nói rằng lập trường của Nga trong vấn đề Syria “có thể góp phần dẫn tới một cuộc nội chiến” tại quốc gia Trung Đông này.

Đại diện thường trực của Nga tại EU Vladimir Chizov cũng tuyên bố Nga hy vọng lãnh đạo các nước EU cũng như lãnh đạo các quốc gia khác kiềm chế, không để xảy ra khả năng can thiệp quân sự vào tình hình Syria.

Ngày 31/5, Bắc Kinh cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế dành thêm thời gian để kế hoạch hòa bình ở Syria của Phái viên Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arab Kofi Annan phát huy hiệu quả, bởi không thể có một giải pháp ngay tức thì cho một cuộc khủng hoảng phức tạp như vậy.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân tuyên bố: “Trung Quốc cho rằng tình hình tại Syria hiện rất phức tạp và nghiêm trọng. Chúng tôi tin rằng các nỗ lực hòa giải của ông Annan đang phát huy tác dụng và chúng ta nên tin tưởng vào ông ấy, dành thêm sự ủng hộ cho ông ấy”.

Hội đồng Bảo an LHQ tiếp tục chia rẽ về vấn đề Syria.


Bất chấp sự phản kháng mạnh mẽ của Nga và Trung Quốc, giới phân tích quốc tế dường như đang nghiêng về kịch bản can thiệp quân sự như bà Susan Rice tuyên bố.

Trên Đài tiếng nói nước Nga, chuyên gia Viện Nghiên cứu phương Đông, ông Alexey Podtserob, phân tích: “Về nguyên tắc, việc sử dụng vũ lực phù hợp với luật pháp quốc tế chỉ xảy ra trong trường hợp tự vệ, hoặc do quyết định của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Ở thời điểm hiện tại, cả hai trường hợp trên đều không thể áp dụng với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Tuy nhiên, đấy chỉ là trên là nguyên tắc, bởi tiền lệ đã từng xảy ra với Nam Tư năm 1999, Iraq năm 2003 và Libya năm 2011”.
(ĐVO)

Các bài liên quan




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét