Thứ Hai, 11 tháng 6, 2012

Thiếu sót trong báo cáo về quân sự Trung Quốc

Mỹ quá “nới tay” trong việc phác thảo chân dung Trung Quốc nói chung và Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) nói riêng.





Ông Gabe Collins
Những ngày qua, dư luận thế giới đang rất quan tâm tới bản báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc về tình hình phát triển quân sự của Trung Quốc.

Trong khi những nhà ngoại giao Trung Quốc gay gắt chỉ trích Mỹ đã “phóng đại cái gọi là mối đe dọa đến từ Trung Quốc” thì lại có rất nhiều chuyên gia cho rằng Mỹ đã “nới tay” trong việc phác thảo chân dung Trung Quốc nói chung và PLA nói riêng.

Ông Gabe Collins - đồng sáng lập viên của trang mạng China SignPos chuyên phân tích các ảnh hưởng của Trung Quốc, cựu chuyên gia phân tích đầu tư và là nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc thuộc ĐH Chiến tranh Hải quân Mỹ đã có bài viết về vấn đề trên đăng tải ở trang mạng The Diplomat.

Dưới đây là nội dung bài viết:

Về tổng thể, bản báo cáo dường như chỉ tập trung vào hai vấn đề nổi cộm nhất hiện nay đó là Đài Loan và căng thẳng trên vùng Biển Đông thay vì có cái nhìn tổng quan về tương lai 20 năm sắp tới - vốn là tiêu chí của bản báo cáo này.

Đáng ra, khi thảo luận về chiến lược quân sự của Trung Quốc, Mỹ cần có cái nhìn toàn cục về định hướng “vươn ra biển” của Trung Quốc. Tranh chấp hàng hải, biển đảo và các tài nguyên duới mặt nước chính là yếu tố châm ngòi cho các cuộc xung đột gần đây và gần như chắc chắn, nó sẽ trở thành yếu tố quyết định chính sách phát triển quân sự và chiến lược ngoại giao dài hạn của Trung Quốc trong tương lai.

Bởi, khu vực tranh chấp hàng hải giữa Trung Quốc và các nước láng giềng chính là điểm nóng dễ xảy ra xung đột vũ trang nhất ở châu Á giữa Trung Quốc với một số nước láng giềng, và thậm chí có thể với cả Mỹ do Mỹ luôn coi tự do hàng hải một lợi ích quốc gia quan trọng của mình.

Trong những năm trước, báo cáo của Mỹ tập trung vào những gì thay đổi so với những báo cáo trước đó. Những bước phát triển của quân đội Trung Quốc cũng như tình hình an ninh được làm nổi bật giúp người đọc và các cơ quan chức năng tiết kiệm thời gian hơn. Bản báo cáo mới không phát huy được ưu điểm này khiến cho người đọc là những nhà lập pháp bận rộn dễ bỏ qua do tính thiếu thực tế và ít hữu dụng.






Một số tiến bộ của Trung Quốc trong lĩnh vực quân sư, không gian như tàu vũ trụ không người lái Shenlong (Thần Long) không được nêu rõ trong bản báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc.


Sự lừng khừng trong công tác phân tích, đánh giá tầm quan trọng của các khía cạnh phát triển quân sự của Trung Quốc gây tổn hại nghiêm trọng cho tiến trình triển khai lực lượng Mỹ tại châu Á. Nếu công dân Mỹ có sự nhận thức đúng đắn về cuộc chạy đua vũ trang mà Trung Quốc tiến hành họ sẽ đồng tình với các khoản chi cho ngân sách quốc phòng Mỹ nhằm “thích ứng” với hoàn cảnh mới mà nước Mỹ phải đối mặt.

Thái độ “thiếu cương quyết” của Mỹ khiến Bắc Kinh có thể nhìn ra khoảng cách giữa lời nói và hành động của Mỹ và Bắc Kinh chắc chắn sẽ khai thác yếu điểm này hết mức có thể. Nếu ý định của chính quyền Obama là định dùng những bản báo cáo như vậy để xoa dịu Bắc Kinh thì trên thực tế, những hành động của Mỹ sẽ không gây dựng được lòng tin từ các đồng minh, đồng thời, nó được coi là một dấu hiệu “xuống nước yếu đuối” của các nhà cầm quyền Mỹ.

Thực tế đã cho thấy trong hai năm đầu dưới thời Obama, Mỹ duy trì tính cách “mềm dẻo” với Trung Quốc và hệ quả mà Mỹ nhận về là thái độ ngày càng lấn át và cứng rắn trong đường lối ngoại giao của Trung Quốc. Nhưng từ tháng 7/2010, khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton có một bài phát biểu cương quyết tại Hà Nội trong đó bà tuyên bố nước Mỹ “trực tiếp bác bỏ khẳng định của Trung Quốc rằng Trung Quốc có thể đơn phương giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông”, Trung Quốc đã có thái độ khác hẳn.

Cho đến nay, Mỹ nên hiểu rõ sự tương tác quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ đã chỉ mang lại lợi ích không đáng kể cho Washington trong suốt thời gian qua. Gần đây, Bắc Kinh đã đưa ra những tín hiệu lạnh nhạt bất chấp thái độ “nồng nàn” của Bộ Quốc phòng Mỹ trong các nỗ lực theo đuổi một mối quan hệ hợp tác quân sự với PLA. Rõ ràng, một mối quan hệ không thể tiến triển khi không có sự đồng thuận trong cam kết và tin tưởng lẫn nhau và Bắc Kinh vẫn luôn dè dặt không hề muốn xích lại quá gần Mỹ.



Tàu sân bay Thi Lang cũng không thu hút được sự chú ý của Mỹ


Sự trỗi dậy của Trung Quốc đã dự báo trước một tương lai mà trong đó nền kinh tế và an ninh toàn cầu sẽ bị cuốn vào vòng quỹ đạo ảnh hưởng bởi sức tăng trưởng và sự ổn định của Trung Quốc.

Về lâu dài, một loạt các yếu tố có thể hạn chế tăng trưởng ngân sách của Trung Quốc dành cho PLA. Do sự già đi nhanh chóng của dân số, Trung Quốc sẽ phải bỏ ra một khoản chi khổng lồ dành cho lương hưu, phúc lợi xã hội và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Đồng thời, tiền lương cơ bản tăng nhanh sẽ “xóa sổ” lợi thế về chi phí lao động trong ngành công nghiệp nói chung và công nghiệp quốc phòng nói riêng. Trung Quốc sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn để có thể duy trì tốc độ tăng trưởng như hiện tại, và đương nhiên, bất chấp ý định của giới lãnh đạo, Trung Quốc sẽ phải thật sự cẩn trọng trước khi quyết định “vung tay” trong các khoản chi cho phát triển quân sự.

Tuy nhiên, ngay cả khi Trung Quốc có dè xẻn trong chi tiêu cho quốc phòng, sức mạnh Trung Quốc vẫn có thể tăng lên đáng kể và ngày càng có ảnh hưởng lớn hơn ở Đông Á, thậm chí thách thức, đe dọa đến cái gọi là “lợi ích cơ bản của nước Mỹ” cũng như các đồng minh. Đương nhiên, mức độ thách thức của “mối đe dọa Trung Quốc” có thể sẽ rất khác nhau tùy thuộc vào quyết định của Bắc Kinh trong việc cân nhắc giữa phát triển quốc phòng hay ưu tiên cho các vấn đề trong nước như giáo dục và chăm sóc sức khỏe.

Ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đang nỗ lực hết sức nhằm đạt được bước nhảy vọt từ thời đại “nghiên cứu và sao chép” sang thời đại “nghiên cứu và tự phát triển”. Trong đó, với những bước đi đúng đắn và nỗ lực không ngừng để kiểm soát chất lượng, ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc dự kiến sẽ đạt được bước đột phá đáng kể trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển thiết bị hàng không vũ trụ cùng nhiều lĩnh vực công nghệ quốc phòng khác trong vòng 5 năm tới.

Bắc Kinh đang đổ tiền đầu tư nhằm phát triển các lĩnh vực công nghệ quốc phòng quan trọng như thiết kế và sản xuất hàng loạt các loại động cơ phản lực hiệu suất cao nhằm phục vụ cho mục đích lắp ghép, sản xuất máy bay trong tương lai.

Hệ thống tên lửa được xem là một trong những móng vuốt quan trọng nhất của con hổ PLA, đồng thời đây cũng là một trong các lĩnh vực được Trung Quốc ưu tiên đầu tư, phát triển nhất.

Bản báo cáo năm 2012 của Lầu Năm Góc đã hoàn toàn bỏ qua nội dung này bất chấp những cảnh báo đã được đưa ra từ trước đó rằng Trung Quốc đang triển khai một “hệ thống tên lửa đạn đạo trên đất liền và tên lửa mang đầu đạn hạt nhân mạnh mẽ nhất trên thế giới” hay những thông tin về hệ thống ICBM, MIRV hay các “cơ sở hạt nhân dưới lòng đất” của Trung Quốc đã được đề cập đề cập đến trong bản báo cáo hồi năm 2011.

Ngoài ra, bản báo cáo năm 2012 không có chi tiết quan trọng nào về hệ thống tên lửa đạn đạo chống hạm của Trung Quốc (ASBM) dù hệ thống này hiện nay đã có hoạt động ở một mức độ nhất định.

Năm 2011, Trung Quốc đã tiến hành 19 vụ phóng vệ tinh, nhiều hơn cả Mỹ. Không những thế, Trung Quốc còn đang thử nghiệm tàu vũ trụ không người lái Shenlong (Thần Long). Hoạt động quân sự cũng như các hoạt động kinh tế dân sự có liên quan đến công nghệ vệ tinh của Mỹ có thể sẽ bị tổn thương nếu Trung Quốc thực sự tiến hành chiến lược hóa chương trình không gian. Điều này khiến công chúng đòi hỏi một bản báo cáo chi tiết hơn về những rủi ro mà Mỹ có thể gặp phải.
Theo Đất Việt

Các bài liên quan




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét