Nga tiếp tục bàn giao cho Không quân Việt Nam một số lượng lớn các biến thể tên lửa không - đối - đất Kh-25/25M trang bị cho các chiến đấu cơ MiG-21, Su-22 và Su-27.
Theo báo cáo mới nhất của Tổng công ty Tên lửa chiến thuật (KTRV), công ty này đã chuyển giao cho Không quân Nhân dân Việt Nam số lượng lớn các biến thể tên lửa tiên tiến Kh-25 (không nói rõ số lượng cụ thể) để trang bị cho các chiến đấu cơ thực hiện các nhiệm vụ tấn công mặt đất, mặt biển và chống radar.
Báo cáo của KTRV cho biết, các biến thể tên lửa Kh-25M mới chuyển giao cho Không quân Việt Nam gồm: Tên lửa dẫn đường bằng laser bán chủ động Kh-25ML, tên lửa dò tìm và chống radar thụ động Kh-25MP/MPU và tên lửa dẫn đường vô tuyến Kh-25MR.
Ngoài Việt Nam, các tên lửa tương tự như vậy cũng được phía Nga chuyển giao cho các khách hàng quen thuộc như Ấn Độ, Algeria và Turkmenistan.
Báo cáo cũng nhắc lại, trong năm 2009, KTRV đã chuyển giao cho Việt Nam 17 tên lửa chống tàu Kh-35 UranE (3M24E) với trị giá 767 triệu rub và năm 2010 đã tiếp tục chuyển giao thêm 16 tên lửa loại này (656 triệu rub) cùng với 8 tên lửa huấn luyện 3M24EMB trị giá 72 triệu rub.
Theo tin từ nhà cung cấp, các tên lửa Kh-25ML, Kh-25MP/MPU và Kh-25MR sẽ được trang bị cho các máy bay chiến đấu loại Su-22, MiG-21 và Su-27 đang biên chế trong Không quân Nhân dân Việt Nam.
Việc bổ sung các tên lửa mới này giúp tăng cường khả năng oanh kích mặt biển và trên đất liền của các máy bay chiến đấu đang đóng ở các căn cứ không quân phía Bắc và dọc theo vùng duyên hải để củng cố thêm sức mạnh bảo vệ, đặc biệt là chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Đặc điểm kỹ, chiến thuật
Kh-25/25M (định danh NATO là AS-10 Kerry) là tên lửa không - đối - đất hạng nhẹ do Liên Xô/Nga phát triển. Tên lửa được sản xuất với nhiều biến thể nhờ một loạt module hệ thống dẫn đường khác nhau và đạt tầm bay 10 km.
Được thiết kế bởi Zvezda-Strela, Kh-25 có thiết kế dựa trên tên lửa dẫn đường bằng laser Kh-23 (AS-7 Kerry). Đến nay, các biến thể mới của tên lửa Kh-25 tiếp tục được sử dụng phổ biến và không ngừng hiện đại hóa.
- Biến thể tên lửa Kh-25MP/MPU (AS-12 Kegler) chống radar, trong đó bản nâng cấp Kh-25MPU có các tính năng cải thiện tối ưu hóa để chống radar vượt trội, kể cả radar phòng không X-band. Kh-25MP/MPU được dẫn đường bằng đầu tự dẫn radar thụ động và có thể được bổ sung thêm cả hệ thống dẫn đường quán tính để tấn công mục tiêu, kể cả khi radar mục tiêu không phát tín hiệu (tắt máy)
Trong khi Kh-25MP có tốc độ bay tối đa là 850 m/s (khoảng Mach 2,5), tầm bắn cực đại 60 km (ở độ cao trung bình) và 25 km (độ cao thấp), tầm bắn tối thiểu 3 km và sai số (CEP) là 5 mét thì bản nâng cấp của nó là Kh-25MPU có trọng lượng lớn hơn, lên đến 320 kg và tầm bắn cực đại giảm xuống 40 km.
Những chiến đấu cơ Su-22, MiG-21 và Su-27 của Không quân Việt Nam được trang bị thêm các tên lửa tiên tiến, đảm bảo sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vùng trời, biển đảo của tổ quốc. Ảnh Su-22M.
- Kh-25ML là tên lửa điều khiển chiến thuật, được dẫn đường bằng đầu tự dẫn laser bán chủ động, chuyên tấn công các mục tiêu chiến thuật có kích thước nhỏ. Tên lửa có thể được phóng thẳng hoặc phóng khi máy bay bổ nhào góc -40 độ.
Tên lửa được tích hợp một thiết bị kích nổ mục tiêu khi va chạm và một đầu đạn xuyên, do đó bảo đảm tiêu diệt được cả các mục tiêu ẩn nấp sau chướng ngại vật (bê tông, xe bọc thép và các loại tương tự) và giảm được góc lia khi va chạm vào bề mặt vật cản.
Kh-25ML có tốc độ phóng cực đại là 870 m/s, tầm bắn 10 km, dùng 2 loại đầu đạn tấn công là kích nổ và xuyên nổ, đầu đạn kích nổ ra một lỗ nhỏ trên vật cản để xuyên luồng khí nóng và phá hủy mục tiêu phía sau, và loại đầu đạn xuyên nổ sẽ xuyên thủng vật cản sau đó phát nổ mục tiêu.
Kh-25ML đang được Không quân Nga sử dụng khá phổ biến và bản xuất khẩu của nó được thiết kế điều chỉnh phù hợp với các máy bay của nước ngoài. Các biến thể của Kh-25ML bao gồm Kh-25MUL dùng cho huấn luyện chiến đấu,
- Tên lửa dẫn đường vô tuyến Kh-25MR chuyên thực hiện tiến công mặt đất, mặt biển và chủ yếu được trang bị trên máy bay Su-22 của Việt Nam. Để phóng được tên lửa này, máy bay sẽ phải lắp thêm pod dẫn bắn vô tuyến Delta-NG ở bên cánh hoặc mũi.
Nga cũng đã phát triển lên các biến thể tên lửa sửa đổi là Kh-25MS/MSE và tên lửa Kh-35 dẫn đường bằng vệ tinh. Tuy nhiên Việt Nam không đặt mua các tên lửa này do thiếu hệ thống dẫn đường như vậy.
Nga và Việt Nam cũng đang hợp tác để cùng tạo ra các biến thể tên lửa tầm xa phức tạp dựa trên loại tên lửa chống tàu Kh-35 Uran, tiến tới tạo ra một tên lửa chống tàu thế hệ mới được đặt trên tàu chiến và trên đất liền.
Theo Đất Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét