Bài viết trên trang Cnmilitary dẫn các báo cáo quân sự mới nhất của cả Nga và Mỹ cho biết, công nghệ tàu ngầm thông thường của Trung Quốc đã "đuổi kịp" so với các tàu ngầm Nga.
Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự Nga, sức mạnh của Lực lượng tàu ngầm Hải quân Trung Quốc trong những năm gần đây đã có sự cải thiện đáng kể, tính từ năm 2007, nếu như so với những năm trước đó, tần suất hoạt động trên biển của các tàu ngầm Trung Quốc đã tăng lên hàng chục lần.
Trong thập kỷ qua, lực lượng tàu ngầm Trung Quốc đã được trang bị toàn diện các thiết bị mới, tỷ lệ tàu ngầm mới đã tăng lên gần 80% trong năm 2010.
Theo thống kê của Nga, số tàu ngầm mới của Trung Quốc đưa vào phục vụ trong năm 2010 đã tăng từ 15 - 17%, số tàu ngầm được trang bị ngư lôi và tên lửa chống hạm là 80%, con số tàu ngầm mang theo mìn và thủy lôi cũng đã tăng gần 30%.
Dựa trên những dữ liệu quân sự của Nga, Trung Quốc đã bắt đầu trang bị lớp tàu ngầm mới nhất của họ với hệ thống động cơ đẩy khí tiên tiến AIP. Về khía cạnh này, mức độ công nghệ tiên tiến của tàu ngầm Trung Quốc đã bắt kịp với các tàu ngầm hiện đại của Hải quân Nga.
Các tàu ngầm của Nga hiện nay mới chỉ được trang bị động cơ sử dụng năng lượng hạt nhân hoặc diesel - điện, thậm chí một số tàu ngầm mới do Nga chế tạo chưa được lắp đặt động cơ tiên tiến như vậy. Tàu ngầm trang bị hệ thống AIP đầu tiên của Hải quân Nga dự kiến sẽ bắt đầu thử nghiệm vào năm 2014.
Chiếc tàu ngầm thông thường thế hệ thứ tư đầu tiên của Nga, tàu Project 677 Lada được bắt đầu đóng từ năm 1997 và hoàn thành vào năm 2007, tuy nhiên, trong quá trình thử nghiệm, con tàu này đã không được lắp đặt động cơ AIP.
Giám đốc viện thiết kế trung ương Rubin Nga cho biết rằng, tàu ngầm lớp Lada 667 sẽ được nâng cấp và hiện đại hóa, dự kiến công việc này sẽ được hoàn thành vào năm 2013.
Hải quân Nga cho rằng, trong chiến lược phát triển của đất nước, đến năm 2020, họ (Hải quân Nga) sẽ nhận được khoảng 40 tàu ngầm thông thường thế hệ thứ tư.
Với sự gia tăng về số lượng tàu ngầm của Trung Quốc, cả về chất và số lượng, sự phát triển của Hải quân Trung Quốc đang đặt ra nhiều thách thức trong khu vực, các chuyên gia Nga nhận định.
So với các tàu ngầm thông thường thế hệ ba trở về trước, tàu ngầm thế hệ thứ tư được trang bị với một hệ thống động cơ đẩy AIP có công suất từ 100 - 300 kW, vì thế thời gian tàu có thể hoạt động liên tục dưới nước được tăng lên 700 - 1000 giờ. Trên thế giới mới chỉ có một số nước được trang bị lớp tàu ngầm thông thường trang bị hệ thống động cơ đẩy AIP. Nhờ công nghệ hiện đại này, các tàu ngầm thông thường được so sánh gần "ngang bằng" với cả tàu ngầm hạt nhân về hiệu suất.
Theo ước tính của Bộ Quốc phòng Mỹ, Hải quân Trung Quốc sẽ được trang bị thêm lên đến 15 tàu ngầm lớp Nguyên (Yuan). Trong số này, năm tàu ngầm đã được đồng thời khởi đóng trong năm 2010.
Hải quân Mỹ đã công bố những số liệu cho thấy rằng, Trung Quốc đang được trang bị tới hơn 60 tàu ngầm và trong những năm tới họ sẽ bổ sung thêm 15 tàu ngầm nữa cho hải quân.
Sự gia tăng số lượng tàu ngầm hiện đại của Trung Quốc đang gây ra những phản ứng mạnh mẽ từ các nước trong khu vực.
Tháng 7/2010, Nhật Bản điều chỉnh kế hoạch phát triển Hải quân của mình, tăng thêm số lượng tàu ngầm từ 16-20 chiếc để cải thiện năng lực trước sức mạnh ngày càng tăng của Hải quân Trung Quốc.
Trong tháng 12/2011, Nhật Bản khẳng định sẽ mua thêm 5 tàu ngầm mới. Tuy nhiên, một số chuyên gia tin rằng, khi cần thiết, có thể con số này sẽ tăng lên đến 25 tàu ngầm.
Ngoài ra, Ấn Độ, Hàn Quốc cũng có kế hoạch để mua tàu ngầm, Việt Nam cũng đã đặt mua 6 tàu ngầm lớp Kilo 636 của Nga và theo kế hoạch sẽ nhận đủ 6 tàu này trong giai đoạn 2014 - 2017.
Trong 20 năm tới, Hải quân Australia cũng sẽ được trang bị thêm 12 tàu ngầm, Singapore, Indonesia và Malaysia sẽ mua 2 tàu ngầm.
Ngoài ra, trong kế hoạch “vươn ra biển lớn” của mình, Hải quân Trung Quốc vừa đang bắt đầu xây dựng thêm một căn cứ tàu ngầm hạt nhân thứ hai ở đảo Hải Nam, theo tạp chí quân sự Khán Hòa (Kanwa) của Hong Kong, việc xây dựng thêm một căn cứ tàu ngầm hạt nhân này thể hiện rõ tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông.
Có thể nói, với các kế hoạch mua tàu ngầm và mở rộng số lượng căn cứ tàu ngầm hạt nhân như trên, cho thấy trong tương lai vài năm tới, số lượng tàu ngầm hoạt động trên biển Thái Bình Dương và Biển Đông sẽ ngày càng thêm tấp nập.
(ĐVO)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét