Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012

Phát triển công nghiệp quốc phòng mới là chiều sâu, đầu tư chính


“Theo tôi phải xây dựng công nghiệp quốc phòng để hiện đại hóa quân đội. Nếu không sản xuất được phải đi mua thì không bao giờ đủ tiền. Đầu tư cho công nghiệp quốc phòng mới là đầu tư chiều sâu, đầu tư chính. Không có gì đắt bằng công nghệ quốc phòng, một quả tên lửa có bao nhiêu sắt, thép đâu mà tới 2 triệu USD, máy bay Su-27 tới 30 triệu USD? Phải chủ động sản xuất thì mới có tiềm lực. Ngoài tiềm lực của dân thì phải có nền công nghiệp quốc phòng mạnh thì đất nước mới mạnh được”, Đại tướng Phạm Văn Trà nói.


Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng cho rằng, phải hết sức chú ý đến biên giới, biên giới ổn thì đất liền ổn. Theo ông, nhà nước phải xây dựng công nghiệp quốc phòng để hiện đại hóa quân đội.


- Mỗi năm đến ngày 30/4, điều Đại tướng nghĩ đến đầu tiên là gì?


- Tôi nhớ đến những đồng đội và những người dân đã nuôi sống mình. Từ năm 1963 tôi đã vào Nam, sống là nhờ dân nuôi. Lực lượng Quân khu 9 của chúng tôi không được trực tiếp vào giải phóng Sài Gòn, mà chủ yếu với nhiệm vụ ngăn chặn không cho địch về miền Tây Nam Bộ cố thủ.





Đại tướng Phạm Văn Trà: "Phải xây dựng công nghiệp quốc phòng để hiện đại hóa quân đội. Nếu không sản xuất được phải đi mua thì không bao giờ đủ tiền".


Chúng tôi ở xen kẽ, sát đồn địch. Miền Tây Nam Bộ không có dân thì bộ đội không chiến đấu được. Chúng tôi sống chiến đấu được là nhờ dân. Chiến thắng của chúng ta, cụ thể là trung đoàn chúng tôi là nhờ có dân.


- Đại tướng cho rằng điều quan trọng nhất để bảo vệ Tổ quốc là lòng dân, vậy làm sao để phát huy được tinh thần dân tộc, lòng yêu nước trong thời bình?


- Điều hệ trọng nhất là chính sách của nhà nước. Chính sách phải lo cho người nghèo, lo cho nông dân. Ông Putin, sau khi lên tổng thống, chính sách trước hết là lo cho người nghèo, cựu chiến binh. Cán bộ nhà nước phải là những người tận tụy giúp dân, lo cho dân. Tôi lo bây giờ không ít cán bộ quan liêu, hạch sách dân.


Nội trị là quan trọng lắm. Nếu chính quyền chưa thuận, còn ấm ức nơi dân thì chỉ cần sơ suất một chút là hàng nghìn người dân phản ứng. Trước đây, thời thực dân Pháp, người dân sống quá khổ cực, có lúc đến cỏ không có mà ăn. Người dân không thể chịu đựng được nữa nên chỉ cần Đảng phát động là sống chết phải giành lấy chính quyền, sẵn sàng ra đi hy sinh vì đất nước. Lớp trẻ bây giờ khác, điều kiện tốt hơn rồi, không hình dung được những khó khăn.


- Vậy làm sao phát huy được tinh thần của tuổi trẻ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thưa Đại tướng?


- Tôi quay lại là, cần chính sách cho tốt đối với người nghèo. Gia đình được quan tâm thì người lính sẽ an tâm. Muốn bảo vệ Tổ quốc, hải đảo thì trước hết phải lo cho hậu phương. Hậu phương, gia đình có no đủ thì mới động viên con cháu sẵn sàng hy sinh. Bờ có mạnh thì đảo mới vững. Nếu bờ không mạnh, gia đình khó khăn, thì làm sao người lính yên tâm chiến đấu.





Máy bay Su-27 tới 30 triệu USD


Cuối cùng dân vẫn là gốc, không có dân là không làm gì được. Hồi tôi làm Tư lệnh Quân khu, những điểm nóng là tôi trực tiếp xuống. Như vụ việc tại Cẩm Giàng, Hải Hưng, hai làng đánh nhau, Bí thư tỉnh ủy yêu cầu Tỉnh đội đưa một tiểu đoàn xuống.


Tỉnh đội trưởng lên báo cáo, tôi bảo không được. Đây là dân chứ có phải địch đâu, không thể huy động quân đội được. Tôi lên gặp Bí thư tỉnh ủy, đồng chí Bí thư hỏi, sao chính quyền yêu cầu quân đội không chấp hành, tôi bảo không, quân đội chỉ đi đánh giặc, dân không phải là đối tượng. Quân khu, Tỉnh đội không chấp hành được bởi muốn huy động quân đội phải báo cáo Bộ Tổng Tham mưu.


Tôi trực tiếp đi xe xuống làng đó, đến gần 2 km người dân đánh kẻng báo động, tôi cứ chạy xe vào giữa làng. 30 phút sau có một ông lão đến, mời tôi vào hỏi chuyện. Ông già cho biết, mình là Bí thư chi bộ suốt từ thời kỳ chống Mỹ, mới nghỉ, cái sai ở đây là sai của chính quyền trong chia ruộng đất.


Chính sách không thống nhất nên hai làng ganh nhau, đánh nhau. Sau đó, tôi cho 100 bộ đội không đeo súng, quân hàm cùng công an vào vận động chỉ hai ngày là giải quyết yên ổn. Tôi đúc kết, nguyên nhân do cán bộ quan liêu, như mới đây nhất vụ việc tại Tiên Lãng, Hải Phòng cũng là quan liêu, không xuống với dân.


Tôi luôn nói với anh Thanh (Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh), làm gì thì làm quân đội phải giữ niềm tin trong dân. Dân mà mất niềm tin là mất hết, không còn gì.





Indonesia sản xuất chiến đấu cơ EMB-314


Trong thời bình, ranh giới giữa tiêu cực và tích cực đan xen nhau, che giấu rất tinh vi. Đã là sỹ quan quân đội phải tuyệt đối trung thành với đất nước, bất kể trong tình huống nào, thì mới giữ được đất nước, giữ được Đảng.


- Trong chiến tranh người chiến sĩ cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, còn trong thời bình, theo Đại tướng, đâu là khó khăn, thách thức của Quân đội nhân dân Việt Nam?


- So sánh chiến tranh giải phóng với chiến tranh bảo vệ Tổ quốc thì cách đánh hoàn toàn khác nhau. Nếu bây giờ mang cách đánh của chiến tranh giải phóng ra áp dụng với chiến tranh bảo vệ Tổ quốc là không phù hợp.


Quan điểm của tôi, sau khi hòa bình, Bộ Quốc phòng phải hết sức chú ý đến biên giới. Biên giới ổn thì đất liền ổn. Thường bạo loạn, bất ổn đều từ biên giới vào, như ở một số nước Bắc Phi vừa qua. Vua chúa ngày xưa gả con gái cho tù trưởng vùng biên ải để giữ biên giới. Các cụ ngày xưa đã nhận thấy biên giới quan trọng như thế nào, bây giờ cũng phải vậy.


Ở Việt Nam hay bất cứ nước nào, thời bình mà không quan tâm đến biên giới thì không được. Phải lo cho dân yên tâm bảo vệ biên giới. Khi còn là Tư lệnh Quân khu 3, tôi đi thấy dân Trung Quốc ở sát biên giới, trong khi ta khu vực vành đai biên giới quản lý rất chặt chẽ.





Indonesia sẽ có máy bay CN-295 nội địa đầu tiên vào năm 2013


Tôi bảo không được, biên giới phải có dân mới vững chắc được, chứ mình lực lượng biên phòng làm sao chắc được. Khi đó, ở Quân khu 3, mất một cái cột mốc. Lực lượng, kể cả Biên phòng đi tìm không được. Khi hỏi một cụ già người dân tộc sống gần khu vực mới biết thực ra cột mốc tụt xuống suối. Tôi hỏi tại sao cụ biết. Cụ trả lời, từ Pháp, mỗi gia đình được giao quản lý 2 mốc, mất thì báo cho quan huyện biết. Để thấy, cho dân giữ biên giới là tốt nhất. Hai bên biên giới, có cái hay là dân quan hệ rất chặt.


Sau chiến tranh biên giới, tôi lên Thất Khê, Cao Bằng, hỏi tại sao dân không biết thông tin. Họ trả lời, thực ra có người nhà bên kia thông báo nên đã biết trước nửa tháng nhưng báo cán bộ xã thì cán bộ không nghe, nói là gây hoang mang. Do vậy, việc đưa dân sống lên giữ biên giới là cách bảo vệ tốt nhất.


Trong nội địa thì có công an, quân đội thì phải lo biên giới, hải đảo. Giữ cho chắc phên dậu thì đất nước sẽ ổn định. Đi cùng với đó là chính sách quan tâm đến người nghèo. Ta sợ nhất là chính sách không lo cho người nghèo.


- Như vậy, sức mạnh lớn nhất là huy động toàn dân bảo vệ Tổ quốc, thưa Đại tướng?


- Đúng vậy! Bởi muốn đất nước vững không chỉ có quân đội mạnh. Quân đội mạnh đến như Liên Xô nhưng chính quyền không vì dân vẫn mất chế độ. Trong nền quốc phòng toàn dân, thứ nhất là phải xây dựng Đảng thật mạnh, Đảng được lòng dân, có chính sách cho dân.


Thứ hai, chính quyền phải vì dân. Thứ ba, kinh tế phải phát triển, mọi người dân được hưởng từ thành quả phát triển đó. Thứ tư, giáo dục quốc phòng, truyền thống yêu nước. Thứ năm, xây dựng lực lượng vũ trang. Thứ sáu, xây dựng công nghiệp quốc phòng, tiềm lực quốc phòng. Thứ bảy, xây dựng công trình phòng thủ. Chứ nếu cứ xác định quân đội mạnh chưa chắc đã mạnh. Bởi, Đảng, chính quyền mà yếu, mất lòng dân thì sẽ mất tất cả.


Quan điểm của tôi, không chỉ có đầu tư vũ khí mạnh, bởi đầu tư cho quân đội cần nguồn lực rất lớn. Nếu các nguồn lực thu hút vào quốc phòng mà dân đói là nguy hiểm. Tôi suy nghĩ, Liên Xô mất còn vì chạy đua vũ trang với Mỹ, trong khi dân mất niềm tin. Trong thời bình này, không có cái gì bằng Đảng mạnh, dân mạnh, kinh tế mạnh, quân đội mạnh. Đây là kế sách giữ nước tốt nhất, không có gì hơn được.


- Vậy theo Đại tướng với điều kiện của Việt Nam thì đầu tư cho quốc phòng như thế nào?


- Theo tôi phải xây dựng công nghiệp quốc phòng để hiện đại hóa quân đội. Nếu không sản xuất được phải đi mua thì không bao giờ đủ tiền. Đầu tư cho công nghiệp quốc phòng mới là đầu tư chiều sâu, đầu tư chính. Không có gì đắt bằng công nghệ quốc phòng, một quả tên lửa có bao nhiêu sắt, thép đâu mà tới 2 triệu USD, máy bay Su-27 tới 30 triệu USD? Phải chủ động sản xuất thì mới có tiềm lực. Ngoài tiềm lực của dân thì phải có nền công nghiệp quốc phòng mạnh thì đất nước mới mạnh được.


Ngoài ra, công nghiệp quốc phòng cũng chi phối, hỗ trợ công nghiệp khác trong nước, giúp phát triển kinh tế.


- Thưa Đại tướng, ngoài đối nội, thì trong đối ngoại, quốc phòng cũng giúp giải quyết nhiều tình thế khó khi chúng ta quan hệ với nhiều nước lớn?


- Thực tế, những nước nhỏ thường bị các nước lớn chi phối. Cho nên, cần phải học ông cha ta, phải giữ cho được độc lập tự chủ. Nếu nghiêng chính sách đối ngoại về một phía là đất nước lập tức không ổn định, do vậy phải cân bằng, khôn khéo. Các cụ ta, đánh rồi còn đi sứ nhưng giữ được biên giới.


Theo Tiền Phong

Các bài liên quan




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét