Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012
Công nghiệp chiến tranh: Những siêu tập đoàn ẩn danh
Không nổi đình nổi đám và thu hút được nhiều sự chú ý của truyền thông cũng như công chúng như Apple, Microsoft, IBM hay Hewleet-Packard, các siêu tập đoàn ẩn danh có hoạt động rộng lớn, sở hữu nhiều hợp đồng lớn cho cả thế giới, thu được lợi nhuận khủng từ những hợp đồng sản xuất vũ khí, máy bay, cung cấp dịch vụ quốc phòng.
Nói cách khác, chiến tranh, ngành công nghiệp buôn bán vũ khí và chi tiêu quốc phòng chính là mỏ lợi nhuận dồi dào cho những siêu tập đoàn này.
Buôn bán vũ khí: Mỏ lợi nhuận siêu khủng
Ngành công nghiệp vũ khí là một ngành kinh doanh toàn cầu sản xuất vũ khí, các công nghệ và thiết bị quân sự. Nó là ngành công nghiệp thương mại gồm nghiên cứu, phát triển, sản xuất và dịch vụ vật tư, thiết bị, cơ sở quân sự.
Các công ty sản xuất vũ khí cũng được biết đến là những nhà thầu quốc phòng hoặc ngành công nghiệp quân sự, sản xuất vũ khí cho các lực lượng quân đội, quốc phòng với các sản phẩm chủ yếu gồm súng, đạn, tên lửa, máy bay quân sự, xe quân sự, tàu chiến,...
Ngành công nghiệp vũ khí cũng tiến hành những nghiên cứu và phát triển công nghệ quan trọng khác như hệ thống rada, giám sát tình báo.
Lockheed Martin là nhà thầu quân sự lớn nhất của chính phủ Mỹ.
Theo ước tính, mỗi năm có hơn 1,5 nghìn tỷ USD được dùng cho các chi tiêu quân sự trên toàn thế giới (2,7% GDP thế giới). Tổng doanh thu vũ khí của 100 nhà sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới ước tính đạt 315 nghìn tỷ năm 2006. Theo báo cáo thường niên về các công ty sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) của Thụy Điển vừa cho biết, doanh thu toàn cầu từ buôn bán vũ khí và cung cấp dịch vụ quân sự của 100 nhà thầu quốc phòng lớn nhất đã tăng tới 411,1 tỷ USD trong năm 2010. Tổng doanh thu từ vũ khí của 100 nhà sản xuất vũ khí lớn nhất đã tăng 60%.Các hợp đồng mua bán vũ khí, hoặc cung cấp dịch vụ quốc phòng chủ yếu được các chính phủ giao thầu, khiến cho các hợp đồng vũ khí mang tầm vóc quan trọng về chính trị. Mối liên hệ giữa chính trị và buôn bán vũ khí có thể dẫn đến sự phát triển của cái mà tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower mô tả là phức hợp quân sự - công nghiệp – quốc phòng trong đó các lực lượng vũ trang, thương mại và chính trị gắn kết chặt chẽ với nhau bằng những hợp đồng béo bở thường trị giá hàng tỷ đô này.
Trong kỷ nguyên chiến tranh lạnh, xuất khẩu vũ khí được cả Liên Xô và Mỹ sử dụng để gây ảnh hưởng tới vị thế của mình tại các nước khác, đặc biệt là các nước thế giới thứ ba.
Những gương mặt cũ
Theo báo cáo của SIPRI, các nhà sản xuất Mỹ vẫn đứng đầu trong danh sách những nhà buôn bán vũ khí hàng đầu thế giới chứng kiến xuất khẩu tăng 24% so với năm ngoái. Bằng chứng là trong bảng xếp hạng 10 nhà sản xuất hàng đầu đã có tới 7 công ty của Mỹ với những cái tên quen thuộc như, Lockheed Martin, Boeing, Northup Grumman, General Dynamics. Ngoài ra, BAE system, thuộc liên minh Châu Âu về nhì trong danh sách.
Đứng đầu trong danh sách là Lockheed Martin – nhà thầu quân sự lớn nhất của chính phủ Mỹ. Lockheed Martin là nhà thầu vũ khí lớn nhất thế giới, người chơi chính trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân và phòng thủ tên lửa đạn đạo.
Là nhà thầu quân sự lớn nhất của chính phủ Mỹ, Lockheed Martin giành được rất nhiều hợp đồng béo bở, với tổng giá trị hợp đồng đạt được từ Washington trong năm 2010 là gần 36 tỷ USD. Doanh thu từ bán vũ khí năm 2010 của tập đoàn này là 35,73 tỷ USD, chiếm khoảng 78% tổng doanh thu với tổng lợi nhuận lên tới 2,93 tỷ USD.
BAE System là nhà sản xuất vũ khí lớn thứ hai thế giới với doanh thu từ vũ khí năm 2010 đạt 32,9 tỷ USD.
Đứng thứ hai trong danh sách 10 nhà sản xuất vũ khí hàng đầu là BAE Systemvới doanh thu từ vũ khí năm 2010 đạt 32,9 tỷ USD, chiếm tới 95% tổng doanh thu của cả tập đoàn. Nhà thầu quân sự lớn nhất liên minh châu Âu này sản xuất hầu hết các loại vũ khí quân sự, bao gồm máy bay chiến đấu, thiết bị điện tử quốc phòng, xe chiến đấu, tàu hải quân và vũ khí cỡ nhỏ.Là một công ty hàng không vũ trụ và quốc phòng có trụ sở tại Anh, nhưng BAE System cũng có một chi nhánh lớn ở Mỹ là công ty BAE Systems Inc. Công ty này ra đời năm 1999 từ vụ sáp nhập giữa Marconi Electronics (khi đó là chi nhánh của hãng công nghiệp Mỹ GE) và British Aerospace. Giảm chi tiêu quốc phòng của Mỹ trong thời gian gần đây đã khiến cho tập đoàn này hướng tới đa dạng hóa nhằm khỏi sự phụ thuộc vào việc sản xuất các thiết bị quân sự chiếm tới 95% doanh thu của tập đoàn (năm 2010).
Khi chi tiêu quốc phòng của các chính phủ thắt chặt lại, BAE vẫn hy vọng vào một cuộc phục hồi trong năm 2012 thông qua việc đa dạng hóa hoạt động và chuyển hướng sang ngành kinh doanh dịch vụ (chiếm 49% doanh thu trong năm 2011). Hiện BAE hy vọng có thể kết thúc thương thảo với Ả-Rập Xê-Út về giá cả cho loại máy bay phản lực Typhoon trong năm 2012. Đàm phán thành công hợp đồng này sẽ củng cố tăng trưởng lợi nhuận khiêm tốn trong năm nay.
Boeing - vốn nổi tiếng với máy bay hàng không dân dụng chất lượng cao, có trụ sở tại Chicago này cũng là một nhà sản xuất vũ khí và nhà thầu quốc phòng lớn thứ hai của chính phủ Mỹ. Tập đoàn này đã thu được rất nhiều lợi nhuận từ cuộc chiến tranh Afghanistan với hai đơn đặt hàng riêng cho hơn 1.074 JDAMs (vũ khí tấn công trực tiếp) từ chính phủ.
Đến năm 2007, Boeing vẫn là tập đoàn sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới và tuột xuống vị trí thứ 3, sau Lockheed Martin và BAE System vào năm 2008. Boeing đồng thời cũng là nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới theo số máy bay được giao hàng, chỉ sau hãng Airbus của châu Âu. Hãng này là nhà thầu quân sự lớn thứ nhì của Chính phủ Mỹ năm 2010 với tổng giá trị hợp đồng khoảng 19,5 tỷ USD. Doanh thu từ bán vũ khí của tập đoàn này năm 2010 đạt 31,36 tỷ USD chiếm 49% tổng doanh thu. Tổng lợi nhuận đạt 3,31 tỷ USD.
Một cái tên khác phải kể đến là Northrop Grumman, nhà thầu vũ khí lớn thứ tư của chính phủ Mỹ, là một trong những hãng đi đầu thế giới về công nghệ hàng không vũ trụ và là nhà sản xuất hàng đầu về tàu hải quân. Tập đoàn này cũng thu được khoản lợi nhuận khổng lồ từ các đơn đặt hàng vũ khí quân sự cho cuộc chiến tranh tại Afghanistan với loại máy bay ném bom B-2 và máy bay chiến đấu F-14.
Northrop Grumman là một trong những hãng đi đầu thế giới về công nghệ hàng không vũ trụ và là nhà sản xuất hàng đầu về tàu hải quân.
Tập đoàn cũng tự hào về năng lực “đáp ứng những nhu cầu quốc phòng hiện tại và đang nổi lên của đất nước, bao gồm chống khủng bố và an ninh quốc gia.” Ngoài máy bay và máy bay ném bom, tập đoàn còn đầu tư phát triển các hệ thống công nghệ cao như Hệ thống kiểm soát và cảnh báo không lưu (AWACS).Nhà phân tích phân sự cấp cao David Steigman từng tự hào rằng “Vai trò của Northrop Grumman là cung cấp thông tin liên lạc kiểm soát mệnh lệnh và hệ thống giám sát tình báo” là thế mạnh của Northrop Grumman. Doanh thu từ vũ khí của tập đoàn này trong năm 2010 là 28,15 tỷ USD, chiếm khoảng 81% tổng doanh thu.
Thuộc một trong số bốn công ty Mỹ trong danh sách 5 nhà sản xuất vũ khí hàng đầu, General Dynamics có lĩnh vực hoạt động chủ yếu trong kinh doanh hàng không, sản xuất xe tăng, các phương tiện viễn chinh chiến đấu, vũ khí và đạn dược, đóng tàu, công nghệ và hệ thống thông tin tên lửa. Được thành lập vào năm 1952 thông qua sự kết hợp của công ty Electric Boat Company, Consolidated Vultee (CONVAIR) và một vài công ty khác, công ty đã nhanh chóng phát triển thông qua việc mua lại.
Với những hợp đồng béo bở liên quan tới quốc phòng, công ty đã nhanh chóng mở rộng bằng việc mua lại các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất xe tăng chiến đấu, các nhà máy đóng tàu và các công ty và dịch vụ và sản xuất công nghệ thông tin. Doanh thu từ bán vũ khí của tập đoàn này đạt 23,94 tỷ USD trong năm 2010, chiếm 74% tổng doanh thu. Tổng lợi nhuận đạt 2,62 tỷ USD. Hiện General Dynamics là một trong những nhà thầu chính của chính phủ, lực lượng quân sự và các công ty tư nhân khác trên toàn thế giới.
Những gương mặt mới nổi
Mặc dù các nước công nghiệp hóa vẫn là những nhà xuất khẩu vũ khí chủ chốt của thế giới thì con số các công ty tại các nước đang phát triển, được sự hỗ trợ của chính phủ, đang giành được thị phần đáng kể trên thị trường vũ khí toàn cầu cũng ngày một tăng. Con số các công ty sản xuất vũ khí đặt tại các quốc gia chưa từng được coi là những nhà xuất khẩu lớn trong danh sách 100 đã tăng gần gấp đôi kể từ những năm 1990.
Elbit Systems là một trong những công ty vũ khí quân sự lớn nhất Israel.
Những nước xuất khẩu mới nổi này gồm Israel với ba công ty Elbit Systems,Israel Aerospace Industries và Rafael ở các vị trí 35, 37 và 54. Ba công ty Ấn Độ gồm Hindustan Aeronatias, Indian Ordnance Factories và Bharat Electronics với thứ hạng lần lượt là 34, 46, 71. Samsung vàLig Nex 1 của Hàn Quốc giữ vị trí 60 và 79. Ngoài ra, các nước mới nổi khác như Singapore, Brazil cũng góp vào danh sách một công ty lần lượt làST Engineering (Tenasek) ở vị trí 49 và Embraer ở vị trí 94. Ngoài Embraer lần đầu lọt vào danh sách, hầu như các công ty đều có sự tăng trưởng về thứ bậc.Các dữ liệu không bao gồm các công ty Trung Quốc và Nga (do không đủ thông tin) nhưng người ta cho rằng Trung Quốc có ít nhất ba nhà sản xuất lớn trên toàn cầu trên thị trường buôn bán vũ khí toàn cầu. Mặc dù doanh số buôn bán vũ khí toàn cầu vẫn bị thống trị bởi các nhà sản xuất lớn nhưng những gương mặt mới nổi cũng có vai trò ngày càng tăng trong buôn bán vũ khí toàn cầu.
Tuyến Nguyễn
theo VNN
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét