Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

Syria không phải là Libya

Phương Tây liên tục gia tăng sức ép lên Damascus với các tuyên bố không loại trừ giải pháp quân sự nhằm lật đổ chính quyền Assad nhưng cho đến nay vẫn chưa có hành động nào.

 Triều Tiên, Syria và Iran: Chiến tranh xảy ra ở đâu trước? (kỳ 2)

Do vị trí địa lý đặc thù và ảnh hưởng tác động đặc biệt đến khu vực các nước Arab, theo giới quân sự, vấn đề chủ yếu mà Syria phải đối mặt là xung đột vũ trang nội bộ gia tăng chứ không phải là nguy cơ bị can thiệp quân sự từ bên ngoài.

Nội lực thực chất

Nhìn từ góc độ khả năng kiểm soát của chính phủ: khả năng kiểm soát đất nước của chính phủ Gaddafi có rất nhiều hạn chế. Quyền lực của chính quyền địa phương Lybia cơ bản do các bộ tộc nắm giữ, điều này làm cho quyền lực lãnh đạo của chính phủ trung ương rất hạn chế. Trong khi đó, chính phủ Syria do tổng thống nắm giữ thực quyền, quyền lực của chính quyền địa phương là không đáng kể.

Điều này làm cho Tổng thống Assad, dù đang trong tình hình rất căng thẳng vẫn hoàn toàn có khả năng nắm giữ và kiểm soát được toàn bộ sức mạnh quốc gia. Xem xét địa vị trong thế giới Arab, Lybia có tiếng tăm không tốt, còn Syria lại có quan hệ ngoại giao tương đối tốt, đã phát huy được vai trò quan trọng ở khu vực phía đông Địa Trung Hải.



TT al-Assab vẫn đang nắm quyền kiểm soát Syria. Ảnh: AP




Bên cạnh đó, Syria được xem là đối trọng để uy hiếp Israel.

Từ sau thế chiến thứ 2 kết thúc chưa lúc nào khu vực Trung Đông ngớt căng thẳng với các nhân tố chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do sự phân chia lãnh thổ, quyền lợi khai thác dầu mỏ, địa vị bá chủ khu vực và vấn đề Israel.

Trong đó, Israel được xem là nguyên nhân chính gây ra những bất ổn tại khu vực Trung Đông. Giữa Israel và các nước Arab đã nổ ra ít nhất 5 cuộc chiến tranh và trong đó không lần nào thiếu mặt Syria.

Hiện nay, Israel còn chiếm đóng cao nguyên Golan, nơi có nguồn nước ngọt dồi dào của Syria và chính điều này đã tạo nên mối thù truyền kiếp giữa Syria và Nhà nước Do Thái.

Nếu như các lực lượng bên ngoài sử dụng các biện pháp vũ lực với Syria thì Israel có thể thừa cơ lấn tới. Nhưng một khi Israel động thủ sẽ nảy sinh nhiều hậu quả rắc rối có thể là bất lợi cho Mỹ.

Nếu Israel ra tay với Syria, Iran sẽ có thể chi viện, giúp đỡ Syria, vấn đề Iran sẽ vô cùng khó giải quyết. Không những vậy, Syria có thể thẳng tay phản công lại Israel.

Các nhóm vũ trang chống Israel tại Syria, Lebanon, Afghanistan đều có quan hệ mật thiết với nhau và một khi Israel tiến công Syria thì Damascus sẽ hết sức giúp đỡ các nhóm vũ trang này nổi dậy. Đây cũng là điều Israel vô cùng không mong muốn. Cho nên, dù Syria đã nhiều lần đe dọa Israel thì Israel cũng không thể khinh suất mà ra tay với Syria.

Nhân tố Arab

Giới quan sát cho rằng, khi Syria có biến, Iran nhất định sẽ liên kết hành động. Hiện nay, mâu thuẫn giữa Mỹ và Iran đang ngày càng căng thẳng xoay quanh vấn đề Iran âm mưu tiếp tục chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.

Tính đến thời điểm này, Mỹ đã sử dụng khá nhiều biện pháp mạnh để ngăn cản Iran sở hữu vũ khí hạt nhân và dẫn đến mâu thuẫn giữa Washington với Tehran ngày càng sâu sắc.

Khi vấn đề Syria trở thành một điểm nóng trong dư luận quốc tế liên quan tới khu vực Trung Đông, Iran lại càng hy vọng tình hình Syria sẽ rơi vào bất ổn nghiêm trọng để các nước phương Tây - đứng đầu là Mỹ sa lầy vào vấn đề Syria mà giảm bớt áp lực đến mình. Trước khả năng này, Iran sẽ không công khai ủng hộ Syria mà sẽ âm thầm dốc toàn lực để giúp đỡ Syria cầm chân các thế lực phương Tây.

Có thể nói, vấn đề Syria là một nước cờ cực kỳ quan trọng để Iran thoát khỏi vòng kìm kẹp của Mỹ và các nước phương Tây. Thực tế cũng cho thấy, nội chiến ở Syria đang diễn ra và là điểm mấu chốt đe dọa đến an ninh của nước này.

Xét về góc độ nội chiến, các thế lực bên ngoài hiện đang nghiêng về xu hướng thông qua xung đột để đạt được mục đích thay đổi chính phủ ở Syria mà không cần phải can thiệp quân sự trực tiếp.



Nguy cơ lớn nhất tại Syria là nội chiến. Ảnh: AFP




Một nhân tố quan trọng khác không thể không tính đến là nước Nga. Mặc dù có nhiều động thái cho thấy Nga dường như có lúc nghiêng về phương Tây trong vấn đề Syria nhưng khả năng Nga đối xử với Syria giống như việc bỏ mặc Liên bang Nam Tư (cũ) là không cao. Trong thời kỳ NATO không kích Nam Tư, Nga đã không chi viện, giúp đỡ cho Nam Tư nhiều.

Chỉ khi chiến tranh đã kết thúc Nga mới cử một phân đội nhỏ cấp tốc đánh chiếm trước sân bay quốc tế Pristina, thủ phủ của Kosovo làm "chỗ dựa" để mặc cả với NATO. Syria là một trong số ít các quốc gia và cũng là quốc gia duy nhất ở khu vực Trung Đông mà Nga có xây dựng căn cứ quân sự, Nga không thể ngoảnh mặt làm ngơ trước tình thế nguy hiểm của Syria.

Cho nên, Moskva thường xuyên cử tàu chiến đến thăm và tổ chức diễn tập quân sự liên hợp với Syria. Đồng thời Nga còn tuyên bố với cộng đồng quốc tế, Nga còn có rất nhiều lợi ích to lớn ở Syria.

Dù Nga hiện nay không còn là siêu cường của ngày xưa nhưng từ khi thay thế Yeltsin trở thành lãnh đạo, ông Putin đã nỗ lực nâng cao sức mạnh quân sự, đi sâu nắm chắc tình hình thực tế quân đội, thậm chí ông còn đích thân lái máy bay chiến đấu để cổ vũ tinh thần binh sĩ, thực lực quân sự của Nga cũng có những bước tiến vượt bậc.

Không chỉ vậy, khi ông Putin quay trở lại điện Kremlin chắc chắn Nga sẽ không còn những hành động yếu ớt trong giải quyết các vấn đề liên quan mật thiết đến lợi ích then chốt của mình nữa. Nhìn từ góc độ này, khả năng trong thời gian tới Nga sẽ chi viện, giúp đỡ tích cực cho Syria và đưa ra các hành động mạnh mẽ để ngăn cản sự can thiệp quân sự của nước ngoài vào Syria là rất lớn.

(Đất Việt)

Các bài liên quan




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét