Theo tổ chức dự báo quốc tế, mức tăng ngân quĩ dành cho quốc phòng của các quốc gia châu Phi kể từ năm 2011–2015 sẽ ở mức dưới 3%/năm.
Đây là một con số rất thấp nếu so sánh với giai đoạn từ 2006-2011, mức tăng ngân quĩ trung bình cho quốc phòng là 12,96%/năm.
Theo bản báo cáo “Thị trường vũ khí châu Phi”, dù cho có sự sụt giảm đáng kể về số lượng nhưng xu hướng chung vẫn là tăng.
Các chuyên gia cho rằng mức tăng ngân quĩ dành cho quốc phòng của châu Phi giảm phản ánh một sự thay đổi đáng kể trong chính sách của Lục địa đen trong những năm sắp tới.
Dự đoán thị trường vũ khí châu Phi trong vài năm tới là khá ảm đạm.
Tổ chức dự báo quốc tế là một thể chế đánh giá và phân tích thị trường vũ khí và tình báo uy tín có trụ sở tại Newtown, Connecticus, Mỹ.
Năm 2011 là một năm đầy biến động đối với châu Phi, làn sóng biểu tình ở bắc Phi, sự ra tăng của chủ nghĩa hồi giáo cực đoan và khủng hoảng chính trị do bầu cử đã ảnh hưởng lớn tới các lĩnh vực kinh tế, xã hội, chính trị và quân đội.
“Những bất ổn khiến cho các quốc gia châu Phi phải tập trung tài chính vào công cuộc tái lập các điều kiện trước khi xảy ra xung đột, do vậy họ không còn tiền dành cho quốc phòng”, Nicole Loeser – chuyên gia phân tích của Tổ chức dự đoán quốc tế cho biết.
Triển vọng của châu Phi là rất lớn vì các quốc gia này vẫn còn rất thiếu trang thiết bị và bắt đầu đối mặt với các vấn đề an ninh mà những khu vực khác trên thế giới đã trải qua.
Nhưng theo các chuyên gia, do ngân quĩ hạn hẹp và cần sử dụng cho nhiều vấn đề cấp bách khác, những hợp đồng mua vũ khí lớn sẽ hiếm xuất hiện tại châu Phi trong những năm sắp tới.
Nga mất những hợp đồng trị giá vài tỷ USD khi chế độ của ông Gaddafi tại Lybia bị lật đổ.
Nguyên nhân chính của việc sụt giảm tài chính là sự biến động chính trị của các quốc gia dầu mỏ - nhóm quốc gia giàu có của châu Phi.
Những quốc gia vốn có truyền thống “chịu chơi” để sắm vũ khí như Algeria, Angola, Nigeria, Sudan và đặc biệt là Libya đều đang chịu bất ổn và sẽ không còn tiền dành cho mua sắm khí tài quân sự.
Các quốc gia này có mức độ tăng trưởng ngân sách quốc phòng mỗi năm là 20.52%/năm trong giai đoạn 2006-2010.
Trong vòng 4 năm tới, mức tăng trưởng dự đoán chỉ là 0,23%/năm.
Libya là quốc gia có mức tăng trưởng mạnh nhất tại châu Phi với 33,27%/năm trong giai đoạn 2006-2010.
Theo dự đoán, con số này sẽ chỉ còn 1,7% trong giai đoạn 2011-2015.
Lý do chính là cuộc nội chiến đã lật đổ thành công chế độ của ông Gaddafi. Quá trình xuất khẩu dầu mỏ của Libya đã bị gián đoạn một thời gian dài và sẽ còn mất một thời gian nữa để họ khôi phục lại sản lượng xuất khẩu trước đây.
Các quốc gia châu Phi chuyển hướng sang đào tạo và nâng cao chất lượng binh lính. Họ sẽ nhận được các khoản tài trợ nếu tập trung vào vấn đề này.
“Trong những năm gần đây, ngân sách quốc phòng của châu Phi phình to nhanh chóng tới mức khó hiểu. Và xu hướng đó khiến cho các quốc gia chi tiêu nhiều tiền cho quốc phòng như Nam Phi, Morocco, Algeria không còn cần phải theo đuổi các hợp đồng mua vũ khí lớn trong thời gian tới”, bà Loeser cho biết.
Với các quốc gia có kinh phí hạn hẹp hơn như Gabon, Ghana và Kenya, họ đã tuyên bố kế hoạch chuyển hướng đầu tư từ mua sắm vũ khí sang đào tạo con người và khả năng tác chiến của quân đội trong thời gian tới.
Đối với các tập đoàn vũ khí lớn, khách hàng tiềm năng duy nhất tại châu Phi là một nhóm các quốc gia đã cam kết thực hiện các hoạt động gìn giữ hòa bình như Ethiopia và Nigeria.
Đây cũng là một xu hướng khá dễ hiểu vì nếu các quốc gia này đầu tư cho quá trình đào tạo, quản lý và chống tham nhũng trong quân đội, thực hiện các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình thì họ sẽ lấy được tài trợ của nước ngoài và không cần phải tự bỏ tiền túi.
Với cam kết hỗ trợ quân sự, Mỹ sẽ chi khoảng 113,7 triệu USD cho các quốc gia châu Phi trong giai đoạn 2010-2012.
(ĐVO)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét