Sáng 29/5, tại xưởng cơ khí tàu thuyền Lý Cư ở khu neo đậu âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng), tàu số hiệu ĐNa-90444 TS đã chính thức hạ thủy, ra khơi hành nghề.
ĐNa-90444 TS là tàu dịch vụ hậu cần nghề cá lớn nhất miền Trung có vốn đầu tư 3,2 tỉ đồng
Đây là tàu của anh Lê Văn Sang (27 tuổi, trú tổ 16, phường Thuận Phước, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng) được khởi công đóng mới ngày 6/4. Anh Sang cho biết, tàu ĐNa - 90444TS có tải trọng 160 tấn với chiều dài 26m, ngang 6m, độ cao mớn nước 3,1m. Sức mạnh của tàu nằm ở 3 bộ máy với tổng công suất 1.200 CV. Để đóng con tàu này, anh đã phải sử dụng 95m3 gỗ kiền kiền.
Tàu dịch vụ hậu cần nghề cá lớn nhất miền Trung ĐNa - 90444TS công suất 1.200CV vừa được hạ thuỷ tại Đà Nẵng sáng 29/5.
Tàu được chia thành 27 khoang chứa hàng rộng 120m3. Giữa các khoang là 17m3 hóa chất PU để giữ độ đông lạnh bảo quản hải sản sau khi đánh bắt. Theo anh Sang, tàu có thể chở tối đa 5.000 - 7.000 lít dầu, 1.200 - 1.500 cây đá, 20 tấn lương thực như gạo, mì gói, rau xanh, dầu ăn, thịt… sẵn sàng cung ứng cho các tàu thuyền đi biển dài 2 - 3 tháng.
Mỗi chuyến ra khơi, tàu ĐNa - 90444TS có thể thu gom trực tiếp trên biển 60 - 70 tấn hải sản gồm mực, cá ngừ, cá dỏi... là những sản phẩm của nghề lưới cản, lưới vây, chụp mực, câu... của 20 - 30 tàu cá ngư dân đưa về đất liền, đồng thời tiếp tục cung ứng hàng hóa để tàu cá tiếp tục vươn khơi xa dài ngày mà không phải cứ sau mỗi chuyến đánh bắt ngắn ngày lại phải quay về bến khiến hiệu quả không cao.
Trước đó, ngày 16/5, ngư dân Đà Nẵng cũng đã hạ thuỷ tàu dịch vụ hậu cần nghề cá ĐNa - 90511 công suất 450CV.
Sáng cùng ngày, tại âu thuyền Thọ Quang cũng diễn ra lễ ra mắt tổ dịch vụ hầu cần nghề cá số 4 phường Thuận Phước. Tổ gồm 5 thành viên với 5 chiếc tàu do ông Lê Mến, chủ tàu ĐNa-90424TS làm tổ trưởng.
Trước đó, ngày 16/5, tại khu đóng sửa tàu thuyền ở âu thuyền Thọ Quang, ông Trần Toàn (ngư dân phường Thuận Phước, quận Hải Châu, Đà Nẵng) cũng đã hạ thủy thành công tàu dịch vụ hậu cần nghề cá công suất 450CV, số hiệu ĐNa - 90511TS với vốn đầu tư gần 2 tỉ đồng. Đây là chiếc tàu thứ hai của gia đình ông Toàn. Chiếc đầu tiên có công suất 90CV cũng làm nghề dịch vụ thu mua hải sản trên biển.
Theo ông Hồ Phó, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đà Nẵng, việc hình thành các tàu dịch vụ hậu cần nghề cá trực tiếp trên biển là sự cụ thể hóa Nghị quyết 02 của Thành ủy Đà Nẵng về phát triển ngành thủy sản theo hướng CNH - HĐH. Mô hình dịch vụ này sẽ đảm bảo cho các tàu cá Việt Nam vươn khơi bám ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa trong thời gian dài.
Tại lễ hạ thuỷ tàu ĐNa - 90444TS và ra mắt tổ dịch vụ hậu cần nghề cá số 4, Cục phó Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của ngư dân Đà Nẵng đóng mới những chiếc tàu công suất lớn làm dịch vụ tàu hậu cần nghề cá. “Đây là mô hình rất có ý nghĩa trong việc giúp ngư dân an tâm bám biển đánh bắt dài ngày mà không sợ thiếu nguyên liệu, lương thực, thực phẩm. Các địa phương khác cũng cần có chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu dịch vụ hậu cần” - ông Đức nói.
Theo Sở NN-PTNT Đà Nẵng, tàu khai thác thủy sản của TP đang có chiều hướng nâng cao công suất máy chính. Nếu trước đây các tàu thường gắn máy chính công suất 45CV, 56CV, 74CV thì nay đã được thay bằng các máy chính công suất trên 90CV. Các hiệu máy hiện được các chủ tàu tin dùng là CUMMINS, NIIGATA, YANMAR, KOMATSU, MITSUBISHI, DAEWOO, HUYNDAI, HINO, công suất trung bình từ 150CV trở lên.
Đây là là tín hiệu tốt cho việc cải thiện năng lực khai thác cũng như giảm thiểu các rủi ro khi gặp thời tiết thay đổi bất thường trên biển. Ngoài việc thay máy nâng cao công suất, các tàu cũng có xu hướng chuyển đổi nghề, đặc biệt giảm mạnh nghề lưới kéo để nâng cao hiệu quả khai thác cũng như góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Theo Đất Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét