Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012

Giải mật máy bay ném bom của Việt Nam

Những ngày cuối tháng 6/1965, sân bay Nội Bài (Hà Nội) âm thầm đón 8 máy bay ném bom chiến thuật tầm trung hiện đại của Liên Xô do phi công nước bạn điều khiển hạ cánh.



Giải mật đơn vị ném bom chiến thuật KQND Việt Nam (kỳ 1)

Bên cạnh những chiếc tiêm kích MiG-17, MiG-21, còn có một loại máy bay giấu mặt mà khi xuất khiện trong lực lượng Không quân Nhân dân Việt nam đã làm Quân đội Mỹ lo sốt vó.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Không quân Nhân dân Việt Nam được trang bị chủ yếu 2 loại máy bay chiến đấu MiG-17, MiG-21. Nhưng có lẽ ít ai biết rằng, chúng ta còn có một loại máy bay chiến đấu khác – máy bay ném bom chiến thuật Il-28 thuộc tiểu đoàn độc lập 929.

Đơn vị T-16

Cuối năm 1961, đoàn học viên không quân chiến đấu đầu tiên của Việt Nam được đưa sang Liên Xô học. “Tháng 10/1961, tôi ở trong đoàn hơn 100 học viên Việt Nam được Đảng và Chính phủ cử sang Liên Xô học lái tiêm kích. Đây cũng là đoàn học viên phi công đầu tiên của Việt Nam tới Liên Xô,” Đại tá Nguyễn Đức Bàn – phi công lái máy bay Il-28 nói.

“Sau khi hoàn thành tốt giai đoạn bay sơ cấp, tất cả các học viên đang chuẩn bị chuyển sang giai đoạn học bay tiêm kích MiG-17 thì có lệnh cấp trên yêu cầu chọn 10 người đi học máy bay ném bom chiến thuật tầm trung Il-28,” ông nói. Lúc này, Liên Xô đã đồng ý viện trợ cho Việt nam một số máy bay Il-28 để thành lập đơn vị không quân ném bom.

“Tốt nghiệp tháng 10/1964, đoàn 10 phi công của chúng tôi trở về sân bay Gia Lâm,” ông Nguyễn Đức Bàn nhớ lại. Tuy nhiên, do một số vấn đề từ phía nước bạn nên các máy bay vẫn chưa được chuyển giao. Vì vậy, toàn bộ phi công học lái Il-28 được đưa đi học tiếng Trung, dự định sang Trung Quốc học tiếp.



Phi công Việt Nam trên máy bay ném bom chiến thuật Il-28. Nguồn: tư liệu Bảo tàng Phòng không - Không quân.


“Ngoài đơn vị phi công, đội ngũ kỹ thuật đưa đi đào tạo tại Liên Xô cũng trở về trong khoảng thời gian này. Do chưa có máy bay nên xuống sân bay Cát Bi học tiếng Trung. Sau một số đồng chí được đi học chuyển loại sang MiG-21, còn 14 anh em ở lại về Cát Bi, rồi về Nội Bài đi lắp ráp MiG-17,” Thượng tá Phạm Chu Hải – nguyên cán bộ vũ khí hàng không tiểu đoàn 929 nói.

Nhưng từ giữa năm 1965, phía Liên Xô lại đồng ý chuyển giao các máy bay Il-28 cho Việt Nam. “Những ngày cuối tháng 6/1965, 8 máy bay ném bom tầm trung Il-28 do phi công Liên Xô điều kiển lần lượt hạ cánh xuống Nội Bài (gồm: 4 chiếc chiến đấu Il-28 số hiệu 2082, 2084, 2086, 2088; 3 trinh sát Il-28R số hiệu 2182, 2184, 2186; 1 huấn luyện Il-28U số hiệu 2180). Đi cùng Il-28 còn có một chiếc máy bay vận tải cỡ lớn chở theo động cơ dự trữ, phụ tùng và chuyên gia kỹ thuật,” ông Hải nhớ lại.

“Toàn bộ các phi công, cán bộ kỹ thuật được biên chế thành đơn vị T16, trực thuộc trung đoàn 921 Sao Đỏ. Mọi vấn đề chỉ huy bay do 921 chịu trách nhiệm, về kỹ thuật bay do tiểu đoàn kỹ thuật 921 chỉ đạo,” ông Hải cho biết.

Il-28 là máy bay ném bom chiến thuật do Cục thiết kế Ilyushin chế tạo. Il-28 trang bị hai động cơ tuốc bin phản lực Klimov VK-1A cho phép máy bay đạt tốc độ tối đa 902km/h, bán kính tác chiến gần 1.000km, trần bay tối đa hơn 12.000m.

Máy bay có khả năng mang 3 tấn bom trong thân. Ngoài ra ở đuôi máy bay còn có một tháp pháo NR-23 2 nòng cỡ 23mm. Kíp lái Il-28 gồm 3 người: phi công, sĩ quan điều khiển ném bom – dẫn đường, xạ thủ đuôi – vô tuyến điện.

Khó khăn chồng chất

Lúc này, Mỹ bắt đầu đánh hơi được sự xuất hiện của máy bay ném bom Il-28 nên chúng liên tục tăng cường trinh sát, đánh phá hòng phá hủy những chiếc máy bay của Không quân Nhân dân Việt Nam có khả năng đe dọa quân Mỹ.

“Đầu năm 1967, hai máy bay trinh sát A3J của Không quân Hải quân Mỹ bay thấp dọc sông Hồng, đến bến Chèm lấy độ cao bay cắt ngang qua đài chỉ huy K5 vào khu vực Il-28 đậu phóng bom bi quả dứa làm hư hại nhẹ một chiếc Il-28,” ông Phạm Chu Hải nhớ lại.

Trước tình hình địch đánh phá dữ dội, việc huấn luyện bay khó thực hiện. Toàn bộ phi công và một số cán bộ kỹ thuật Il-28 được gửi sang Liên Xô học nâng cao. “Đối với phi công, học bay nâng cao bay đêm, bay biển, bay độ cao thấp (200m), độ cao cực thấp (50m),” ông Bàn nói. Bên cạnh đó, 8 chiếc Il-28 cùng một số thợ kỹ thuật được đưa sang Tường Vân, Trung Quốc để bảo quản.



Một tổ lái máy bay ném bom chiến thuật Il-28. Nguồn ảnh: tư liệu Bảo tàng Phòng không - Không quân.


Năm 1968, toàn bộ phi công cùng kỹ thuật sau khi hoàn thành khóa học nâng cao được điều về nước. Tháng 10/1968, đơn vị T-16 được tổ chức thành Tiểu đoàn độc lập 929, trực thuộc Binh chủng Không quân.

Cũng trong năm 1968, cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân diễn ra. Toàn bộ tiểu đoàn luôn ở trong tình trạng trực chiến, sẵn sàng cất cánh khi có lệnh. “Có những lần đã đưa máy bay vào Thọ Xuân, Thanh Hóa, máy bay đã treo đủ bom, chỉ còn chờ lệnh lắp kíp là đi đánh. Nhưng 1-2 tiếng sau lại có lệnh hạ bom xuống,” ông Hải nhớ lại.

Trong những năm tiếp theo, đơn vị Il-28 tiếp tục thực hiện công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Tuy vậy, vì những lý do khác nhau nên đơn vị vẫn không được cất cánh làm nhiệm vụ.

Sang năm 1971, tình hình chiến trường lúc này cần sự chi viện hỏa lực của không quân ném bom. Tuy nhiên, do các máy bay Il-28 sau nhiều năm dùng gần hết niên hạn, bị địch “săn lùng” đánh phá nên chỉ còn 2 chiếc có thể dùng được. Nhưng trong đó chỉ có một chiếc chiến đấu (số hiệu 2088) và một chiếc là máy bay trinh sát ảnh (số hiệu 2184).

Tình hình lúc này hết sức bức thiết, vì vậy đòi hỏi ta phải có biện pháp để cải tiến chuyển một máy bay trinh sát chụp ảnh thành máy bay ném bom.




Đại tá Nguyễn Đức Bàn - Phi công lái máy bay ném bom Il-28. Ảnh: Lê Nam


Đại tá Nguyễn Đức Bàn – phi công Il-28 sinh năm 1936 tại Thái Thụy, Thái Bình. Năm 1959, ông nhập ngũ Quân đội Nhân dân Việt Nam. Từ tháng 10/1961 – 10/1964 học lái máy bay tại Liên Xô. Trong quá trình học, 10 phi công trong đó có ông được tuyển sang học lái máy bay ném bom Il-28. Tháng 2/1973, ông thôi bay về làm cán bộ mặt đất.

Năm 1975, ông đựoc cử giữ chức trưởng ban huấn luyện trung đoàn 921, rồi Sư đoàn Không quân 370. Tháng 8/1978, ông sang giữ chức phó phòng Quân huấn Quân chủng Không quân

Tháng 3/1981, ông giữ chức trưởng phòng huấn luyện chiến đấu. Tới tháng 6/1986, ông thôi giữ chức trưởng phòng về học bổ túc tham mưu chỉ huy không quân. Tháng 8/1987, ông cử làm phó phòng Khoa học quân sự Bộ Tham mưu Không quân. Năm 1991, ông nghỉ hưu với hàm Đại tá.
(còn nữa)
(Đất Việt)

Các bài liên quan




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét