Các phe phái liên tục phủ nhận và quy trách nhiệm lẫn nhau, trong khi phái bộ Liên Hợp Quốc không công bố tác nhân chính dẫn tới vụ thảm sát đẫm máu nhất tại Syria.
Ngay cả khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ra tuyên bố chung cực lực lên án vụ thảm sát Houla “vi phạm thô bạo luật pháp quốc tế” và qui trách nhiệm cho chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad thì hôm 28/5, sự thật về vụ thảm sát hơn 100 dân thường tại Houla, trong đó có hơn 30 trẻ em dưới 10 tuổi, đến nay vẫn còn là bí ẩn đối với cộng đồng quốc tế.
Phát biểu tại phiên họp đặc biệt của Hội đồng Bảo an ở New York, Phó đại diện thường trực của Nga tại Liên Hợp Quốc, ông Igor Pankin tỏ ý nghi ngờ về việc các lực lượng chính phủ Syria đã gây ra vụ thảm sát Houla, đồng thời cho rằng tất cả mọi việc xảy ra tại Houla vẫn “ở trong những hoàn cảnh bí ẩn”.
Theo đại diện Nga, đạn pháo đã gây ra hỏa hoạn tại các khu dân cư – có khả năng do lực lượng chính phủ bắn phá, tuy nhiên có một số bằng chứng cho thấy nhiều nạn nhân được tìm thấy tại Houla đã bị đâm chết bằng dao hoặc các loại vũ khí tương tự.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Anh Wuyliam Hague đang ở thăm Nga, ngày 28/5, cho biết, Moscow lo ngại tái diễn các vụ thảm sát dân thường như vụ tại ngôi làng Houla ở Syria vừa qua và không loại trừ khả năng có kẻ đứng đằng sau xúi giục.
Ngoại trưởng Nga cho rằng, cộng đồng quốc tế cũng cần phải vạch ra những cơ chế bổ sung nhằm thực hiện kế hoạch hòa bình này trên cơ sở bảo đảm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước Syria độc lập, bảo đảm quyền của nhân dân Syria tự mình quyết định lấy số phận của mình.
Chưa lời giải cho vụ thảm sát tại Houla.
Cùng quan điểm, chuyên gia Đông Phương học hàng đầu thế giới, ông Georgy Mirsky, cũng kêu gọi không nên vội vã đưa ra kết luận, và cho rằng không loại trừ hành động khiêu khích của phe đối lập và khủng bố.
Trả lời phỏng vấn trên Đài tiếng nói nước Nga, ông Georgy Mirsky nhận định: “Phần lớn các nạn nhân là những người đã bị trúng đạn (hoặc đạn xe tăng, hoặc mảnh bom, đạn pháo). Phe đối lập không có các vũ khí đó, như vậy đây là quân đội chính phủ. Nhưng có cả xác thường dân, kể cả trẻ em, bị chém. Đây không phải là quân đội. Nói chung, những gì đã xảy ra, tất nhiên, là có lợi cho phe đối lập. Bởi vì tất cả sẽ được đổ lỗi cho Assad”.
Trong khi đó, chính quyền Syria cũng phủ nhận sự tham gia trong những gì đã xảy ra, lập luận rằng các đơn vị quân đội đã không rời vị trí của họ, và cho rằng cuộc pháo kích được gây ra bởi những kẻ đối lập.
Cũng như Nga, tuy Trung Quốc ủng hộ việc tiến hành một cuộc điều tra đầy đủ “càng sớm càng tốt” về vụ thảm sát Houla, hạn chế việc can thiệp quân sự vào quốc gia này.
Lập luận của Nga, Trung Quốc cũng như chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad không phải là không có cơ sở.
Ngày 26/5, trong một báo cáo gửi đến Hội đồng Bảo an, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon thừa nhận lực lượng đối lập là một trong những tác nhân gây ra sự phức tạp tại Syria thời gian qua.
Người đứng đầu Liên Hợp Quốc đồng thời cũng kêu gọi tất cả các nước không cung cấp vũ khí cho Syria, kể cả chính quyền Syria và phe đối lập Syria.
Báo cáo của Tổng Thư ký trích dân thông tin từ phái bộ Liên Hợp Quốc tại Syria gửi về, cũng cho biết, ngay cả khi phái bộ được điều đến, các lực lượng vũ trang phe đối lập vẫn duy trì sự kiểm soát quân sự tại các khu vực quan trọng của một số thành phố trên cả nước, và "sự tinh vi và quy mô các cuộc tấn công cho thấy rằng đây là hoạt động của các băng nhóm khủng bố có tổ chức, chứ không phải lực lượng đối lập tự phát".
Tương lai của Syria đặt vào Đặc phái viên Kofi Annan và Trưởng phái bộ Robert Mood?
Trong một diễn biến liên quan, ngày 28/5, đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc và Liên đoàn Arab - ông Kofi Annan, đã tức tốc lên đường tới Damascus, kêu gọi các bên xung đột có các hành động cụ thể hướng tới một tiến trình chính trị khả thi để chấm dứt bạo lực.
Phát biểu trước báo giới ngay khi đặt chân tới Damascus, đặc phái viên Liên Hợp Quốc nêu rõ: “Thông điệp hòa bình này dành cho tất cả các phe phái tại Syria”.
Theo kế hoạch, ngày hôm nay 29/5, ông Annan sẽ có cuộc gặp và thảo luận "thẳng thẳng và nghiêm túc" với Tổng thống Syria Bashar Al-Assad về các diễn biến mới tại quốc gia Trung Đông này.
Ngoài ra, ông Annan cũng dự kiến gặp các quan chức cấp cao Syria, đại diện các nhóm đối lập và các tổ chức xã hội nước này.
(ĐVO)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét