Thảm kịch Sukhoi Superjet 100 tại Indonesia đã giáng một cú mạnh vào những nỗ lực của nước Nga khôi phục lại thời huy hoàng công nghiệp hàng không dân dụng.
Vụ tai nạn máy bay Sukhoi Superjet 100 tại Indonesia cướp đi sinh mạng của gần 50 người là một thảm kịch về nhân mạng nhưng cũng thể hiện những khó khăn của nền công nghiệp hàng không Nga sau một thời gian dài thất thế đang cố gắng tìm lại chính mình.
Thời huy hoàng của hàng không Xô Viết
Dưới thời Liên Xô, công nghiệp hàng không được quan tâm đầu tư và phát triển vô cùng lớn mạnh, thời điểm cao nhất quy tụ tới 1,5 triệu người lao động trong các lĩnh vực liên quan và sản xuất tới 2/5 số lượng máy bay quân sự trên toàn thế giới.
Có một thời chưa xa những chiếc máy bay do Liên Xô ngang dọc khắp năm châu dưới đủ màu cờ và là niềm tự hào của nền công nghiệp hàng không Xô Viết.
Ở Việt Nam mãi đến cuối những năm 1990, Tupolev-134 vẫn là loại máy bay chủ lực phục vụ vận chuyển hành khách trên các chặng nội địa và quốc tế.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, các cơ sở sản xuất của nền công nghiệp hàng không bị phân tán khắp nơi.
Đồng thời với sự thay đổi của cơ chế kinh tế, cũng như nhiều ngành công nghiệp khác (xe hơi, đóng tàu, chế tạo máy…) công nghiệp hàng không Nga phải khó khăn để thích ứng với những đòi hỏi về năng suất và chất lượng và sự cạnh tranh từ các đối thủ nước ngoài, nhất là trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Tu-134 từng hoạt động trong hãng Hàng không Việt Nam. Đây là một trong hai loại máy bay dân dụng góp phần tạo dựng nền công nghiệp hàng không huy hoàng của Liên Xô.
Chỉ riêng lĩnh vực hàng không quân sự nước Nga vẫn phần nào giữ được sức mạnh về kĩ thuật cũng như công nghệ mà ví dụ điển hình là sự thành công của các loại máy bay chiến đấu Sukhoi và MiG trên thị trường quốc phòng thế giới.
Còn trong lĩnh vực sản xuất máy bay dân dụng thì ngay cả hãng hàng không lâu đời và lớn nhất của nước Nga là Aeroflot cũng cho về hưu gần hết các máy bay sản xuất trong nước và chuyển sang sử dụng các dòng máy bay Airbus và Boeing vốn an toàn, tiện nghi và có chi phí khai thác thấp hơn.
Để thoát khỏi sự suy tàn, công nghiệp hàng không dân sự của Nga buộc phải có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền cũng như sự hợp tác quốc tế.
Đầu những năm 2000, đánh dấu bước ngoặt của sự đổi thay với sự ủng hộ của Tổng thống Vladimir Putin trong việc hình thành một tập đoàn hàng không duy nhất thông qua việc sáp nhập các công ty chế tạo máy bay vốn hoạt động riêng rẽ phân tán trước đây.
Những năm 1950-1960 từng tồn tại tới hơn 20 phòng nghiên cứu và thiết kế hàng không khác nhau gắn liền với các trung tâm thử nghiệm và nhà máy chế tạo, điều này không thích hợp trong nền kinh tế thị trường với sự cạnh tranh gắt gao và phân công lao động sản suất cao độ.
Trong bối cảnh đó, Tập đoàn sản xuất máy bay thống nhất (OAK) được thành lập bởi Tổng thống Putin vào tháng 2/2006 nhằm nâng cao tính cạnh tranh trong sản xuất, thiết kế và bán các sản phẩm.
Tập đoàn này quy tụ các phòng thiết kế và nhà sản xuất máy bay hàng đầu của Nga như Irkut, Mikoyan, Sukhoi, Ilyushin, Tupolev, Yakovlev.
Superjet - biểu tượng "hồi sinh" hàng không Nga
Một trong những dự án lớn nhất của tập đoàn OAK đã cho ra đời loại máy bay chở khách Superjet 100 nhằm thay thế cho đội bay cũ kỹ đông đúc đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn đang hoạt động trên toàn nước Nga và các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô (cũ).
Theo số liệu của Bộ Giao thông, chưa kể các nước SNG, các nước Đông Âu và Phi Châu khác, trên toàn bộ nước Nga có tới 2.500 máy bay chở khách cỡ vừa và nhỏ hoạt động, hơn một nữa trong số đó đã hoạt động quá tuổi đời cho phép, nguy cơ gây thêm những tai nạn hàng không khủng khiếp vốn là chuyện khá phổ biến ở Nga trong những năm gần đây.
Từ nay cho tới năm 2030, theo tính toán, đội bay của Nga cần tới 620 máy bay chở khách cỡ lớn và tầm trung, một thị trường béo bở đáng mơ ước cho bất kỳ nhà chế tạo máy bay nào.
Loại máy bay Superjet 100 được thiết kế và chế tạo bởi hãng máy bay chiến đấu Sukhoi được xem như niềm hi vọng của công nghiệp hàng không dân dụng Nga.
Superjet 100 cất cánh lần đầu tiên vào năm 2008 và bắt đầu các chuyến bay thương mại từ năm 2011.
Loại máy bay có sức chở tối đa 100 hành khách và có hành trình bay 4.500km với giá trung bình khoảng 35 triệu USD.
Superjet - nỗ lực vực dậy công nghiệp hàng không Nga.
Loại máy bay mới nhất này không chỉ là biểu tượng của sự cố gắng tìm lại thời hoàng kim của hàng không dân Nga mà còn là biểu tượng của sự hòa nhập quốc tế và tăng cường hợp tác quốc tế của công nghiệp hàng không Nga. Điều đã được hầu hết các hãng chế tạo máy bay khác thực hiện từ lâu.
Thay cho thiết kế cũ kỹ mộc mạc kiểu Liên Xô trước đây là một hình ảnh tươi mới và hiện đại, Superjet 100 là một chiếc máy bay Nga mang hình hài và dáng vóc phương Tây với sự tham gia của các hãng chế tạo máy bay hàng đầu khác.
Trong đó, Hãng Boeing tham tham gia chương trình với vai trò tư vấn, nhưng đối tác chủ yếu là hãng Alenia của Italia (thuộc tập đoàn Finmeccanica), vốn nắm giữa 51% vốn của công ty Superjet International, để đổi lại chịu trách nhiệm thương mại hóa sản phẩm ở khu vực châu Âu, châu Mỹ, Châu Phi, Úc và Nhật bản. Hãng mẹ tập đoàn Sukhoi nắm giữ 49% cổ phần còn lại.
Về mặt công nghệ, nhiều hãng sản xuất hàng không phương Tây cũng tham gia vào chương trình này: động cơ PowerJet SaM146 được phát triển bởi liên doanh giữa hãng NPO Saturn của Nga và tập đoàn Pháp Snecma, Hãng Thales thiết kế hệ thống điện tử hàng không cho máy bay, hãng Honeywall phát triển hệ thông cung cấp nguồn điện trên máy bay, các hãng Goodrich, Zodiac Aerospace, Liebherr, BE Aeropsace và Hamilton Sundstrand cung cấp một lượng lớn linh kiện quan trọng của máy bay.
Superjet 100 được xem như là kẻ thách đấu trên thị trường loại máy bay dưới 100 chỗ ngồi hiện do 2 hãng Embraer (Brazil) và Bombardier (Canada) chiếm phần lớn thị phần.
Bước tiếp theo của chương trình là máy bay chở khách tầm trung MS-21 của Irkut, một hãng chế tạo khác thuộc OAK, nhằm cạnh tranh với loại A320 và B737 do hai ông lớn Airbus và Boeing nắm giữ, với mục tiêu cho ra đời loại máy bay với 3 lựa chọn khác nhau từ 150 tới 212 chỗ ngồi với mức giá cạnh tranh và chi phí khai thác thấp.
Trước vòng trình diễn ở các nước Đông Nam Á, SuperJet đã được khai thác bởi hai hãng hàng không Aeroflot của Nga và Armavie của Armenia.
Nhiều hãng khác trong đó có hãng Kartika Airlines của Indonesia đã đặt hàng 15 chiếc cho đội bay của mình.
Loại máy bay này cũng đã nhận được chứng chỉ bay của châu Âu vào tháng 2/2012 cho phép nó có thể được bán tại thị trường các nước châu Âu.
Tổng cộng đã có 169 đơn đặt hàng từ nhiều nước khác nhau. Đây là một tín hiệu vô cùng khả quan với một loại máy bay hoàn toàn mới. Giới chức Nga hy vọng sự thành công của nó sẽ đánh dấu một bước ngoặt lịch sử đối với ngành công nghiệp hàng không dân dụng Nga.
Bước khởi đầu không may mắn hay một chiến dịch marketing thất bại?
Tai nạn tại Indonesie vừa qua cướp đi sinh mạng của phi hành đoàn và hơn 40 hành khách, giáng một đòn mạnh vào công nghiệp hàng không của nước này vốn lâm làm khủng hoảng kể từ ngày Liên Xô sụp đổ và sau một loại các tai nạn khủng khiếp.
Hiện thời, còn sớm để các chuyên gia vẫn từ chối đưa ra các kết luận. Họ phải chờ đợi có thêm thông tin từ các cuộc điều tra về nguyên nhân tai nạn, đặc biệt là các thông tin được giải mã từ hai hộp đen của máy bay đã được lực lượng cứu hộ tìm thấy.
Nhưng dù với nguyên nhân nào đi nữa, việc một chiếc máy bay tham dự trình diễn trong chuyến quảng bá một vòng châu Á, đã tác động nghiêm trọng tới danh tiếng của mẫu máy bay mới nhất này của hãng Sukhoi, vốn mang theo nó biết bao niềm hi vọng của nước Nga.
Phát biểu trên đài phát thanh Tiếng vọng Moscow, phi công Magomed Tolboiev đánh giá đây là "một cú giáng mạnh vào danh tiếng của công nghệ hàng không của nước Nga, nó giống như một cái tát trời giáng vậy.
Đất nước chúng tả không ngừng tuyên bố là tạo ra được một kiểu máy bay có một không hai, và đây là những gì đang diễn ra". Ông này không dấu nổi vẻ thất vọng.
Vụ tai nạn Superjet ở Indonesia như cú tát mạnh vào niềm hi vọng số một của công nghiệp hàng không Nga.
Với loại superjet 100, chương trình tiêu tốn khoảng 1 tỉ USD phần lớn được hỗ trợ từ Nhà nước, người Nga cố gắng làm sống lại hình ảnh của nền công nghiệp hàng không vốn lâm vào khủng hoảng trầm trọng từ những năm 1990, cũng như bị phủ bóng bởi danh sách đen các vụ tai nạn hàng không.
"Thảm kịch này cho thấy thêm một sa sút mới của những tham vọng về công nghiệp hàng không dân dụng của nước Nga. Điều này có tác động tiêu cực trước mắt tới các đơn đặt hàng loại máy bay này," Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch bình luận.
Chưa kể thm kịch về con người, tai nạn khủng khiếp trên là một đòn mạnh giáng vào công nghiệp hàng không của Nga, vốn đặt niềm hi vọng ở loại máy bay cỡ nhỏ này như một cuộc tái chinh phục thị trường hàng không dân sự lâu nay bị các đại gia Mỹ và Tây Âu làm mưa làm gió cũng như vai trò không nhỏ của 2 hãng Canada và Brazil.
Hơn cả một loại máy bay mới, Superjet còn là một biểu tượng - chương trình máy bay dân sự đâu tiên của nước Nga kể từ ngày Liên Xô tan rã. Tập đoàn hàng không thống nhất Nga OAK và những nhà chức trách xem đây như là bước khởi đầu để chinh phục lại thị trường vốn đang bị Airbus và Boeing chiếm giữ.
"Không cần phải nghi ngờ gì sự kiện này sẽ làm chậm lại chương trình Superjet và ảnh hưởng tới danh tiếng của nó," ông Rouslan Poukhov - Giám đốc trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ bình luận trên báo Izvestia.
Nhưng điều này không có nghĩa là nó đặt dấu chấm dứt chương trình và người ta vẫn sẽ bán được loại máy bay này ở thị trường trong nước cũng như quốc tế.
"Chương trình có được một sự hỗ trợ chính trị rất quan trọng, đặc biệt là trong các hợp đồng bán hàng vốn không chỉ đơn thuần phụ thuộc vào các tính năng kỹ thuật và công nghệ của máy bay," chuyên gia Boris Rybak nhận định trên tờ Komersant.
Hãng Aeroflot hiện khai thác 6 chiếc và đã đặt hàng 30 chiếc, họ cũng thông báo là vẫn sử dụng Superjet cho các chuyến bay của mình.
Hi vọng về lâu dài của Sukhoi là sẽ đạt được doanh số bán hàng 1.000 chiếc. Họ hứa hẹn là chi phí khai thác sẽ thấp hơn 15% so với máy bay cùng loại của 2 đối thủ Canada và Braxin.
Liệu tai nạn ở Indonesia về lâu dài có ảnh hưởng tới các chương trình đầy tham vọng của công nghiệp hàng không dân dụng Nga hay không thì cần phải có thời gian trả lời, nhưng trước mắt ở thị trường Đông Nam Á và đặc biệt là Indonesia với gần 250 triệu dân thì rõ ràng đây là một chương trình marketing thất bại.
"Điều này là cực kỳ phiền phức dưới góc độ thương mại nếu biết rằng Indonesia là quốc gia mua rất nhiều máy bay và ở thị trường này hai hãng Boeing và Airbus đã và đang hoạt động rất tích cực, không nói ra nhưng rõ ràng đây lại thêm một lợi thế của hai ông lớn này," chuyên gia phân tích của hãng Kepler Capital Markets nói.
(ĐVO)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét