Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

Việt Nam có nên mua 18 chiếc Su-30K

Việc Nga công bố quyết định sẽ bán lại 18 chiến đấu cơ đa năng Su-30K đã qua sử dụng cho đối tác tiềm năng đặt ra nhiều câu hỏi. Ai sẽ là đối tác trong thương vụ này?

 Mới đây, RIA Novosti dẫn lời Phó Giám đốc thứ nhất Cơ quan Hợp tác kỹ thuật quân sự Liên bang Nga (FSVTS) Alexander Fomin cho hay, Nga quyết định bán lại lô máy bay tiêm kích Su-30K bị Ấn Độ từ chối trong năm 2003, do liên quan đến các vấn đề sự cố của động cơ.

Như thông báo trước các phóng viên của ông Fomin, lô 18 máy bay Su-30K trước đó được Quân đội Ấn Độ sử dụng, đang nằm trong xưởng sửa chữa máy bay ở Belarus, dự kiến sẽ bán cho "mọi khách hàng tiềm năng".



Nga lên kế hoạch nâng cấp Su-30K/MK lên Su-30KN hiện đại hơn để bán cho một nước thứ ba.


Theo RIA, 18 chiến đấu cơ này có những đặc điểm kỹ chiến thuật thấp hơn so với Su-30MKI. Do đs, Su-30K/MK không có động cơ lực đẩy vector đa chiều hoặc 2 cánh mũi ở phía trước và khả năng cơ động cũng kém hơn.

Hệ thống điện tử hàng không của Su-30K/MK cũng được xây dựng với những đặc điểm thấp hơn so với Su-30MKI do HAL trang bị sau này, gồm các hệ thống điện tử tích hợp của Pháp và Israel.

Chính vì vậy, 18 chiếc Su-30K/MK sẽ được đại tu và sẽ thực hiện đầy đủ những nâng cấp cần thiết đối với yêu cầu của khách hàng.

Theo các nguồn tin không chính thức, chi phí nâng cấp tốn 5 triệu USD/chiếc, nhưng giá trị mỗi chiếc rất có thể sẽ rẻ hơn máy bay mới.

Nhưng có thể đó mới chỉ là mặt nổi, còn phần chìm trong các cuộc đàm phán (vũ khí đi kèm) và thực hiện những nâng cấp theo yêu cầu khách hàng, giá trị của mỗi chiếc máy bay sẽ là một ẩn số.

Nước nào là khách hàng số 1?

Nói về các khách hàng tiềm năng để mua 18 máy bay Su-30K, dễ dàng có thể sơ điểm ra những khách hàng tiềm năng nhất gồm Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Belarus, Algeria, Venezuela và Trung Quốc.

Trong đó, khả năng mua lại bởi Ấn Độ là 0% bởi chính họ đã từ chối số máy bay này.

Indonesia đã có một hợp đồng mới để mua 6 chiến đấu cơ Su-30MK2 của Nga, các chiến đấu cơ đa năng này đều tập trung cho nhiệm vụ tác chiến trên biển. Vì vậy, khả năng mua Su-30K của Indonesia là không cao.

Malaysia tuy có kế hoạch mua thêm 18 chiến đấu cơ mới nhưng cũng giống như Indonesia, chiến lược không quân của họ tập trung cho biển, vì vậy, Su-30K tác chiến ở lục địa không phải là lựa chọn hợp lý.

Khả năng Trung Quốc mua cũng không cao, bởi công nghệ sao chép máy bay dòng Su-30 của họ đang phát triển tốt.

Venezuela cũng tập trung mua biến thể Su-30MK2 giống như Việt Nam, tuy nhiên, họ có kế hoạch mua chiến đấu cơ J-10 của Trung Quốc bởi chi phí thấp, hợp tác kỹ thuật quân sự giữa hai quốc gia này cũng đang không ngừng tiến triển trong thời gian gần đây.

Algeria và Nga đang xảy ra vụ "scandal" khi Algeria nghi ngờ rằng, máy tính trên khoang, bộ não của Su-30MKA chịu ảnh hưởng đáng kể của công nghệ Israel và phối hợp hoạt động với hệ thống gây nhiễu trên khoang Elta EL/M8222 của hãng IAI và màn hình hiển thị chính diện SU967 của Elbit Systems đều của Israel.

>> Algeria ruồng bỏ tiêm kích Nga vì linh kiện Israel?

Song sát Su-30KN và Su-30MK2

Theo một blog quân sự Nga, hai ứng cử viên tiềm năng nhất là Việt Nam và nước chủ nhà Belarus - nơi đang sửa chữa 18 máy bay Su-30K của Nga.

Belarus đang có kế hoạch sẽ cho các phi đội máy bay Su-24 của họ "nghỉ hưu", sau khi xảy ra 2 vụ tai nạn liên tiếp đối với loại máy bay này trong tháng 10/2011 và tháng 2/2012.

Nhiều nguồn tin suy đoán rằng nước cuối cùng sở hữu số máy bay Su-30K này có thể là Việt Nam, nhưng nó vẫn có khả năng ở lại Belarus.

Đánh giá về Việt Nam, ông Konstantin Makiyenko, Phó Giám đốc Trung Tâm Phân tích Công nghệ và Chiến lược cho biết, Việt Nam đang cần bổ sung thêm các chiến đấu cơ đa năng để tiếp tục tiến thẳng lên hiện đại và củng cố tiềm lực không quân của mình.

Trong đó, khả năng Việt Nam vẫn tiếp tục lựa chọn dòng tiêm kích Su-30 của Nga làm chủ lực cho các phi đội hiện đại của bởi Không quân Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm trong quá trình sử dụng các tiêm kích Su-30MK2.





Su-30KN phóng tên lửa.


Mặt khác, 120 chiếc Su-22 và hơn 100 chiếc MiG-21 đang phục vụ trong Không quân Nhân dân Việt Nam, dù đã từng bước được nâng cấp, nhưng được cho là đã lỗi thời và sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn trước các tiêm kích hiện đại của đối phương. Chính vì vậy, chúng cần được dần thay thế bằng các chiến đấu cơ mới, có khả năng tác chiến vượt trội.

Nhu cầu về trang bị các tiêm kích chuyên thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ lục quân và không chiến của Không quân Nhân dân Việt Nam cũng tăng lên từng ngày.

Trong cả 3 hợp đồng mua máy bay Su-30MK2 trong năm 2003, 2009 và 2010 (tổng là 24 chiếc Su-30MK2V), Việt Nam đều đặt hàng máy bay tăng cường khả năng tác chiến trên biển.

Trong khi đó, biến thể Su-30K/MK mà Nga bán lại được thiết kế tăng cường đánh đất và không chiến. Với một mức giá phù hợp và những ưu đãi hợp lý, khả năng nâng cấp liên các chuẩn tiêm kích hiện đại như Su-30KN, lúc đó, Su-30KN sẽ trở nên là một sát thủ trên không đáng gờm hơn cả.

Sự xuất hiện của Su-30KN cùng với Su-30MK2 trong Không quân Nhân dân Việt Nam sẽ tạo nên một cặp bài trùng "lợi hại".

Su-30MK2 chuyên đánh biển - không chiến, hỗ trợ cho Hải quân và Su-30K/MK đánh đất - không chiến, hỗ trợ cho lục quân.

Việt Nam được nhiều nguồn tin Nga đánh giá là khách hàng tiềm năng nhất trong thương vụ này, tuy nhiên, dù thế nào đi nữa thì đó vẫn chỉ là những phân tích "dự đoán" của họ.
(ĐVO)

Các bài liên quan




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét