Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

Hải quân Mỹ nâng cấp ồ ạt Super Hornet



VietnamDefence - Hải quân Mỹ đã bắt tay vào thực hiện chương trình quy mô lớn hiện đại hóa các tiêm kích F/A-18E/F Super Hornet.




F/A-18E Super Hornet ВМС США. Фото с сайта navy.mil

Các máy bay sẽ được trang bị các hệ thống mới xác định tọa độ, ngắm bắn, sục sạo và theo dõi ở phổ hồng ngoại và các sensor khác. Nhờ đó, các máy bay sẽ hiệu quả hơn và có khả năng giải quyết được nhiều nhiệm vụ hơn.


Cụ thể, người ta dự định lắp cho Super Hornet các hệ thống ngắm bắn phân tán (Distributed Targeting System, DTS), cho phép máy bay độc lập cung cấp thông tin cho khí tài điều khiển vũ khí chính xác cao. Độ chính xác của dữ liệu nhận được sẽ tương đương với thông tin từ GPS.

Trên khoang máy bay, DTS sẽ hoạt động cùng với radar anten mạng pha chủ động APG-79 và hệ thống ngắm bắn hồng ngoại bán cầu trước AN/ASQ-228 ATFLIR. Tất cả dữ liệu nhận được sẽ được đối chiếu với các hình ảnh địa hình trong bộ nhớ máy tính trên khoang. Các hệ thống này cũng sẽ được trang bị cho các máy bay tác chiến điện tử trên hạm E/A-18G Growler.

Các máy bay Super Hornet nâng cấp với DTS đầu tiên sẽ được đưa vào trang bị cho Hải quân Mỹ vào đầu năm 2013.

Đồng thời, hãng chế tạo máy bay Boeing cũng đang phát triển hệ thống sục sạo và bám hồng ngoại (Infrared Search and Track, IRST) mới để trang bị cho Super Hornet. Hệ thống này được chế tạo trên cơ sở hệ thống AN/AAS-42 từng được sử dụng trên các tiêm kích trên hạm F-14D Tomcat và sẽ có dạng thùng treo. Hệ thống này sẽ được lắp lên các máy bay từ năm 2016.

Thùng trao sẽ được lắp vào chỗ thùng dầu phụ ở giữa. Ngoài ra, hệ thống còn có thể tích hợp trực tiếp vào thùng dầu phụ đó. Theo giám đốc dự án F/A-18E/F và E/A-18G của Hải quân Mỹ, ông Frank Morley, Hải quân Mỹ đặt mua hệ thống này dạng thùng treo là vì một số lý do, một trong số đó là việc chúng không được sử dụng thường xuyên. Người ta dự định mua tổng cộng 170 thùng treo IRST.

Các máy bay cũng sẽ được trang bị hệ thống thống nhất xử lý thông tin từ nhiều thiết bị và sensor khác nhau. Hệ thống này sẽ hợp nhất các dữ liệu từ radar, ATFLIR, IRST, các hệ thống trinh sát điện tử và các khí tài liên lạc bên ngoài thành một bức tranh chiến thuật duy nhất. Một phần các giải pháp kỹ thuật cho hệ thống này Hải quân Mỹ ứng dụng từ các dự án tiêm kích F-22 Raptor và F-35 Lightning II.

Tuy nhiên, cũng có nhiều chuyên gia Mỹ nghi ngờ sự cần thiết của việc hiện đại hóa tiêm kích của Hải quân Mỹ. Nhà phân tích Mark Gunzinger của Trung tâm Đánh giá chiến lược và ngân sách cho rằng, quân đội Mỹ cần tập trung để hiện đại hóa máy bay sao cho trong tương lai nó có thể hoạt động trong không gian bị hạn chế và ngăn chặn tiếp cận (A2/AD, anti-access/area denied environment).

Giới quân sự Mỹ dùng thuật ngữ A2/AD để chỉ không chỉ sự đối kháng của các hệ thống phòng không và không quân dối phương, mà cả các điều kiện theo đó việc cung cấp phụ tùng và cung ứng hậu cần rất khó khăn hoặc hoàn toàn không thể. Được liệt vào đó còn có việc không có ảnh hưởng chính trị và tài chính trong khu vực. Theo ông Gunzinger, số lượng các khu vực như thế trên thế giới mỗi năm một tăng.

“Và điều đó dĩ nhiên không chỉ là những khó khăn của hải quân. Cũng có thể nói như thế về các tiêm kích F-15 và F-16. Tất cả 3 loại tiệm kích (kể cả F/A-18E/F) đang thua kém trong đối kháng với J-20 của Trung Quốc hay PAK FA của Nga”, ông Gunzinger nhận định. Ngoài ra, các tiêm kích sẽ không đủ vững chắc trước cả các hệ thống phòng không hay chế áp điện tử tiên tiến.

Cần lưu ý rằng, Hải quân Mỹ dẫu sao vẫn xét đến những khó khăn mà ông Gunzinger và một số chuyên gia nêu ra. Giữa tháng 4/2012, quân đội Mỹ đã yêu cầu cung cấp thông tin về các tiêm kích mới để thay thế F/A-18E/F và E/A-18G sau 18 năm nữa. Trong số các yêu cầu có khả năng giành ưu thế trên không và hoạt động trong điều kiện A2/AD.

Các bài liên quan




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét