Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2012

Trung Quốc và vụ Scarborough: Chính sách bị phản pháo


Philippines ngoan cường chống trả sức ép Trung Quốc và nhận được sự hỗ trợ quốc tế.

Tình hình Biển Đông phát sinh một số diễn biến mới và cuộc đối đầu Trung Quốc-Philippines chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trung Quốc tăng cường sự hiện diện theo kiểu “lấy thịt đè người”. Philippines tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ các nước bạn. Sự ủng hộ dưới nhiều hình thức.

Ngoại trưởng Mỹ: Đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông vượt quá UNCLOS

Phát biểu tại buổi điều trần về Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ ngày 23/5, Ngoại trưởng Hillary Clinton nói: Đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông vượt quá những gì UNCLOS cho phép.

Việc Mỹ không phê chuẩn UNCLOS đã làm suy yếu sự ủng hộ của Washington dành cho đồng minh liên quan tới các tranh chấp trên Biển Đông.

Cũng tại phiên điều trần, Thượng nghị sỹ Dân chủ Barbara Boxer đã chỉ trích yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Bà trưng ra một bản đồ cho thấy tuyên bố chủ quyền của nước này vượt xa vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý theo quy định của UNCLOS. Bà cho rằng yêu sách đó là “một sự xâm chiếm lãnh thổ đáng kể”, thậm chí “đến rất gần bờ biển của các quốc gia trong khu vực”. Thượng nghị sỹ này cũng nhắc đến cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Philippines ở Bãi đá ngầm Scarborough.

Tại buổi điều trần, Ngoại trưởng, Bộ Trưởng Quốc phòng và Chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân Mỹ đã yêu cầu các nhà lập pháp Mỹ ủng hộ phê chuẩn UNCLOS. Ngoại trưởng Clintơn nêu rõ Mỹ “cần chấm dứt việc đứng ngoài lề và bắt đầu tận dụng những lợi ích to lớn mà Công ước mang lại cho Mỹ và cộng đồng doanh nghiệp”. Bà cho rằng trước đây, các công ty dầu khí của Mỹ chưa có đủ công nghệ để tận dụng những quy định của Công ước về thềm lục địa, nhưng nay các công ty đó đã có khả năng và sẵn sàng khai thác các vùng này. Nếu tham gia Công ước, Mỹ sẽ “được sự công nhận của quốc tế về quyền chủ quyền, trong đó có việc sử dụng các thủ tục nêu trong Công ước, cho phép các công ty dầu lửa cơ sở pháp lý để thực hiện việc khai thác”. Bà khẳng định công ước từng được sự ủng hộ của tất cả các tổng thống của cả hai đảng, các doanh nghiệp Mỹ, ngành công nghiệp năng lượng và vận tải biển, cũng như các tổ chức về môi trường.

Bộ trưởng Quốc phòng Panetta cho rằng, là một trong những quốc gia có đường bờ biển dài nhất thế giới và có thềm lục địa mở rộng rộng nhất thế giới, Mỹ sẽ được lợi nhiều nhất từ việc tham gia UNCLOS. Ông cũng cho rằng việc này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho Mỹ có các quyền tự do hàng hải và tiếp cận toàn cầu cho các tàu thuyền thương mại và quân sự, máy bay và các đường cáp quang dưới đáy biển của Mỹ, thay vì như hiện nay phải thực hiện quyền tự do hàng hải thông qua tập quán quốc tế.

Tại buổi điều trần, một số nghị sĩ đảng Cộng hòa vẫn phản đối tham gia UNCLOS, lo ngại về một số hệ quả, như việc Mỹ phải tham gia vào một ủy ban có hơn 160 thành viên mà Mỹ sẽ không có quyền phủ quyết nào. Thượng nghị sĩ John Kerry cho biết sẽ không đưa UNCLOS ra bỏ phiếu tại Thượng viện trước khi cuộc bầu cử năm 2012 diễn ra.

Philippines vẫn ngoan cường chống trả sức ép Trung Quốc

Theo nguồn tin Bộ Ngoại giao Philippines, Trung Quốc đã triển khai gần 100 tàu - gồm tàu công vụ và tàu đánh cá - đến bãi Scarborough. Phía Philippines chỉ có hai tàu chính phủ ở khu vực này. Khi được hỏi về điều này, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã trả lời rằng “Con số thuyền đánh cá tại khu vực này vẫn tương đương với số lượng năm ngoái”. Người phát ngôn đã không đề cập đến lực lượng hùng hậu tàu chấp pháp đổ về khu vực biển này trong thời gian gần đây.



Tàu ngư chính hiện đại nhất của Trung Quốc có mặt tại khu vực Scarborough/Hoàng Nham để tăng áp lực đối với Philippines


Theo Nhật báo Trung Quốc, Voltaire Gazmin, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, cho biết nước này đang đẩy nhanh việc mua sắm vũ khí mới để hiện đại hóa lực lượng quốc phòng. Kế hoạch đề ra 138 chương trình mua sắm, 58 chương trình đã được phê duyệt với ngân sách 1,67 tỷ USD. Theo một nguồn tin Philippines, nước này đã đặt hàng mua 10 tàu tuần tra biển từ Nhật Bản trong năm 2012 này.

Philippines không đơn độc. Nước này đang nhận được sự giúp đỡ từ một số nước. Nhật Bản có thể cung cấp một hạm đội gồm 10 tàu đến bảo vệ bờ biển cho Philippines như một phần của gói Hỗ trợ Phát triển chính thức cho Manila. Thỏa thuận này bao gồm 10 tàu tuần tra nhỏ 180 tấn và hai tàu lớn hơn, gần 1.000 tấn. Diễn biến mới này đã tạo ra một phản ứng dữ dội tại Trung Quốc. Bắc Kinh tuyên bố kịch liệt phản đối sự tham gia của bất kỳ bên thứ ba nào trong vụ tranh chấp với Manila.



Đối sách của Trung Quốc (thợ săn) trong cuộc đối đầu với Philippines (chim hải âu) đã bị tác dụng ngược lại (Minh họa The Economist, Anh)


Các nhà phân tích cho rằng việc Nhật Bản hỗ trợ Philippines sẽ tiếp tục tạo ra những va chạm trong quan hệ vốn đang ngày càng trở nên xấu đi giữa nước này với Trung Quốc.

Ngày 23/5, Chính phủ Philippines đã nhận tàu tuần duyên lớp Hamilton thứ hai từ Lực lượng Bảo vệ Bờ biển của Mỹ. Manila cũng đã nhận được viện trợ từ Hàn Quốc và Australia để giúp Philippines phòng thủ biển. Các chương trình hỗ trợ này có thể bao gồm việc huấn luyện và bán vũ khí.

Tổng thống Philippines Aquino đã ngày càng tỏ rõ tính kiên quyết và bản lĩnh chính trị của nhà lãnh đọa đất nước. Chính quyền của ông đã đoạn tuyệt với đường lối “thân Trung” của người tiền nhiệm - bà Gloria Macapagal-Arroyo. Cựu Tổng thống Arroyo và cảnh sát trưởng dưới thời bà đã bị bỏ tù với tội danh tham nhũng, liên quan những phi vụ làm ăn mà gia đình bà nhận hoa hồng từ các công ty Trung Quốc để đổi lấy đặc quyền kinh doanh tại Philippines.

Mới đây, phát biểu trước phái đoàn các nhà lãnh đạo các trường đại học Mỹ, Tổng thống Aquino nói về thái độ đối với vụ tranh chấp tại Bãi đá Scarborough: “Tôi không được phép từ bỏ bất kỳ phần đất nào của lãnh thổ chúng tôi… Hiến pháp Philippines cấm điều này”. Cả hội trường đã hoan hô vang dội lời nói thẳng thắn và dứt khoát của ông./.

NHẬT NAM (TỔ QUỐC)

Các bài liên quan




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét