Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

2T Stalker, xe bọc thép 'tàng hình đầu tiên' trên thế giới



Trong khi các nước tiên tiến Anh - Mỹ loay hoay nghiên cứu xe tàng hình, năm 2000 công ty Minotor Belarus đã trình làng xe bọc thép trinh sát tàng hình 2T Stalker.

Trong khi các loại máy bay, tàu chiến bước đầu đạt được bước đột phá trong công nghệ tàng hình, trên mặt đất xe tăng – thiết giáp đang chập chững tìm hướng đi phù hợp nhằm che mắt đối phương, nhất là trong bối cảnh, hệ thống phòng vệ xe tăng phát triển một, vũ khí chống tăng phát triển mười. (>> chi tiết)

Một số quốc gia đã đưa ra một số giải pháp tàng hình xe như Anh (>> chi tiết), Mỹ (>> chi tiết) nhưng mới chỉ dừng ở mức độ nghiên cứu nhất định, nguyên mẫu thử nghiệm, chứng minh độ khả thi vẫn chưa được thực hiện.

Ở Đông Âu, từ năm 2000, Công ty Minotor Belarus phối hợp các cơ quan nghiên cứu vũ khí Nga đã giới thiệu mẫu thử nghiệm xe bọc thép trinh sát 2T Stalker.

Loại xe này chủ yếu dùng trong hoạt động thọc sâu vào hậu phương địch giám sát cả ngày và đêm, chuyển các dữ liệu tình báo kịp thời cho các cơ quan cấp trên, các đơn vị cấp dưới và đơn vị bạn.






Xe bọc thép trinh sát tàng hình 2T Stalker.


Đặc biệt để lẩn trốn
2T Stalker thiết kế với phần giáp trước chống đạn pháo 30mm. Các bộ phận còn lại bọc giáp chống đạn 14,5mm. Lớp giáp này vẫn còn quá mỏng manh đối với vũ khí chống tăng, trong khi Stalker phải thực hiện nhiệm vụ đặc biệt nguy hiểm xâm nhập vào vùng địch. Vì vậy, chiếc xe được ứng dụng kỹ thuật tàng hình tiên tiến giúp nó giảm đáng kể tín hiệu quang học, radar, hồng ngoại và âm tần so với các loại xe thiết giáp khác cùng cấp.

Xe được phủ một lớp sơn đặc dụng hấp thụ bức xạ sóng điện từ làm giảm khả năng xe bị bị radar phát hiện. Trong quá trình thử nghiệm, 2T Stalker chứng minh sự ưu việt, cùng một hệ thống radar phát hiện xe tăng T-72 từ cự ly 6km thì phải đặt gần 1km 2T Stalker mới chịu lộ diện.


Ngoài ra, để giảm tiếng ồn, xe thiết kế với cơ cấu treo khí lỏng chủ động và các bộ phận giảm sóc do máy tính điều khiển.

So với T-72, tín hiệu tạp âm của Stalker chỉ bằng 1/6. Khi xe chạy với tốc độ 60-70km/h, ở cự ly 300-400m mới có thể nghe được tiếng chạy, đó là mức âm thanh ít nhất trong các loại xe bánh xích.

Về việc “ẩn giấu” tín hiệu nhiệt, hệ thống thải khí của xe được thiết kế hợp lý, chỉ có thể cảm nhận được khí nóng phả từ xe ra trong phạm vi hẹp.

Hỏa lực hiện đại
2T Stalker trang bị pháo 30mm, súng phóng lựu tự động AGS-17 cỡ 40mm (166 viên) và súng máy đồng trục cỡ 7,62mm.

Pháo tự động 2A42 30mm có khả năng tiêu diệt xe bọc thép hạng nhẹ, trực thăng đối phương.

Đặc biệt, trên tháp pháo còn được trang bị thêm các giá phóng hai tên lửa chống tăng có điều khiển AT-6 và 2 tên lửa đối không SA-18. Khi hành quân, giá phóng tên lửa gấp gọn vào trong tháp pháo.
Sức mạnh hỏa lực của 2T Stalker được coi là khá mạnh, nhưng điểm đặc biệt lại nằm ở hệ thống phát hiện mục tiêu tiên tiến. Chiếc xe được trang bị thiết bị quét và đối kháng vô tuyến điện, sensor âm thanh, thiêt bị trinh sát quang – điện tầm xa thụ động.



Pháo 30mm, tên lửa đối không SA-18 (trái) và tên lửa chống tăng AT-6 (phải).

Trong đó, thiết bị quét và đối kháng vô tuyến điện có thể giám sát, ghi lại các thông tin vô tuyến của địch phát ra và tiến hành gây nhiễu nguồn phát.

Còn các sensor âm thanh được bố trí để phát hiện âm thanh con người, tiếng ồn động cơ. Đối với vũ khí hạng nặng, kíp xe căn cứ vào âm thanh phát ra qua đó phán đoán phương vị và cự ly.


Hệ thống trinh sát quang – điện tầm xa thụ động lắp trên cần xe kiểu ống lồng, độ nâng hạ tối đa 6m, tiện cho xe ẩn nấp để quan sát.

2T Stalker còn được trang bị hệ thống định vị giúp cho kíp xe xác định chính xác vị trí của mình và mục tiêu, độ chính xác trong vòng 15m.
Với vai trò xe trinh sát, 2T Stalker còn có hệ thống tình báo điện tử có thể thu nhận và xử lý một số lượng lớn thông tin tình báo rồi chuyển những số liệu đó qua chuỗi số liệu dung lượng cao, bí mật truyền đến các bộ chỉ huy tác chiến.
Tuy hiện đại, nhưng số phận của 2T Stalker hẩm hiu khi nó không được bất kỳ một quốc gia nào quan tâm, thậm chí kể cả Quân đội Belarus không mặn mà đối với xe thiết giáp này.

Thông số kỹ thuật

Kíp lái: 5 người (lái xe, pháo thủ, trưởng xe và 2 lính trinh sát)
Nặng: 27,4 tấn
Kích thước (dài x rộng x cao): 7,77m x 3,38m x 2,5m

Vũ khí:
- Pháo tự động 2A42 30mm (500 viên)
- 2 tên lửa chống tăng AT-6 (6 quả dự trữ)
- 2 tên lửa đối không SA-18
- 1 súng máy đồng trục 7,62mm (2.000 viên)
- 1 súng phóng lựu 30mm (166 viên)
- Mìn chống tăng (12 quả)
Động cơ diesel 740 mã lực (tốc độ 95km/h, tầm hoạt động 1.000km).




http://quocphong.baodatviet.vn/dv/

Các bài liên quan




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét